Bừng thức ký ức làng

Bừng thức ký ức làng
TP - Trên hai số báo Tiền Phong ra vào các ngày 8 và 9/7/2008 đăng tải về vụ thảm sát khủng khiếp thời Pháp thuộc (chẳng kém gì vụ Mỹ Lai thời chống Mỹ sau này) xảy ra ở làng Quán Trang (xã Bát Trang, An Lão, Hải Phòng) và những câu chuyện bám trụ, đánh giặc giữ làng hết sức kiên cường của người dân nơi đây.

> Có một vụ “thảm sát Mỹ Lai” ở miền Bắc

Chiến công ấy đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Ngày 25/04/2013 Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bát Trang.

Máu thịt của tôi

15 tuổi tôi rời quê hương đi học và vào quân đội, tại ngũ cho tới ngày nghỉ hưu. Sống xa quê. Mỗi năm có dịp về quê, năm nhiều thì năm bảy lần, năm ít cũng một đôi lần, tôi đều ra đình làng thắp hương. Đình làng Quán Trang thờ một vị quan thời Lý. Người dân nơi đây cho rằng ngôi đình này rất thiêng. Gia đình tôi hiếm con, tôi lại còi cọc. Vì vậy bố mẹ tôi làm lễ trên đình, “bán tôi” cho Ngài, để Ngài che chở. Lên 8 tuổi tôi trở thành chứng nhân của một vụ thảm sát kinh hoàng không khác gì vụ Mỹ Lai thời chống Mỹ sau này ngay tại sân đình này.

Tuy nhiên Quán Trang đối với tôi không chỉ có vậy. Quán Trang còn là máu thịt của gia đình tôi. Ông bà nội tôi có 5 người con (3 trai, 2 gái) thì 3 người con trai và hai con rể đều đi theo cách mạng và lần lượt hy sinh. Bố tôi- Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Nông hội đầu tiên của thôn bị giặc bắn chết năm 1947. Một năm sau đó, ông nội tôi Nguyễn Đức Đổng hy sinh trong một trận càn của giặc. Hai chú rể là Đoàn Văn Cử và Đoàn Văn Cừ bị địch bắt và sau đó bị chúng thủ tiêu vào các năm 1949 và 1954.

Bà nội tôi là một phụ nữ kiên cường. Một mình cáng đáng, lo toan cho cả gia đình. Cũng chính bà là người đã hướng dẫn, dìu dắt cho các con, các cháu tham gia công việc cách mạng ở địa phương. Khi tôi lên 10, bà giao cho nhiệm vụ canh gác ở đầu thôn, phát hiện thấy có người lạ vào thôn là lập tức thông báo.

Tôi về làng lần này thật đặc biệt. Đúng ngày 27/7- Ngày Thương binh liệt sĩ, lại vào dịp người dân Quán Trang đang tất bật chuẩn bị cho ngày lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVTND vào ngày 5/8/2013.

“Một tấc không đi, một ly không rời”

Cùng với cậu em Nguyễn Văn Vi, nay là Bí thư thôn, chúng tôi lại ra đình làng. Nhìn một lượt quanh sân đình, nhất là đọc tên từng người bị giặc giết trên tấm bia lớn, tôi thấy tim mình quặn đau. 44 năm đã trôi qua nhưng ký ức ấy vẫn mãi tươi nguyên.

Ông Nguyễn Văn Mão, cựu du kích Sao Vuông, chứng nhân của cuộc thảm sát ở Quán Trang, hiện đang nghỉ hưu ở TP. HP
Ông Nguyễn Văn Mão, cựu du kích Sao Vuông, chứng nhân của cuộc thảm sát ở Quán Trang, hiện đang nghỉ hưu ở TP. HP.

Hôm ấy là ngày 29/4/1949. Trong một cuộc chiến không cân sức, với số quân đông gấp vài chục lần, vũ khí tối tân, kẻ thù đã tràn được vào làng, sau khi đẩy lùi được sự kháng cự quyết liệt của người dân Quán Trang với vũ khí chỉ là mã tấu, giáo mác và gậy gộc.

Chúng bắt gần 400 người, phần đông là phụ nữ, người già và trẻ em ra đình, lột hết quần áo, bắt quỳ ở sân để xem chúng hành quyết du kích. Trong trận bắt bớ, bủa vây ấy, không hiểu vì sao mẹ tôi lại kéo tôi chạy trốn thoát được. Sau này tôi được người làng kể lại vụ thảm sát kinh hoàng ấy.

Tôi vẫn còn nhớ, năm tôi 13 tuổi, trong một trận càn, giặc dồn ép dân và bắt được hai mẹ con tôi và ông Nguyễn Văn Xuân, chú họ tôi (sau này là cán bộ cách mạng), năm ấy cũng trạc tuổi tôi. Chúng lôi mẹ tôi ra tra tấn dã man bắt khai ra nơi cất giấu cán bộ Việt Minh. Nhưng mẹ tôi không khai. Một tên lính đưa ông Xuân ra bờ mương đánh, nhưng ông cũng không chịu khai ra hầm bí mật. Điên tiết, chúng lấy chiếc gáo dừa múc bùn đổ vào miệng. Nhân lúc chúng sơ hở tôi lẩn ra sau nhà trốn thoát.

Hai tên lính Pháp lực lưỡng lôi xềnh xệch ông Nguyễn Văn Khung (là em ruột của ông nội tôi), một du kích trong đội “Sao Vuông” vào sân đình. Chúng đè ông lên chiếc bàn gỗ, bốn tên giữ chặt ông, một tên cầm lưỡi lê đâm vào cổ ông trước những tiếng thét thất kinh. Nhiều người đã ngất xỉu. Chúng lấy bát hương ra hứng máu. Sau khi giết thêm vài du kích nữa, chúng lùa hết bà con ra bờ sông, xua xuống sông ép bơi sang Thanh Hà (một xã bên kia sông) rồi từ trên bờ chúng dùng súng bắn xối xả. Nhiều người đã bỏ mạng trên dòng sông ấy.

Trở lại khu nhà mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Nhớ lại ông bà tôi, cha mẹ, các chú bác tôi, những người đã chiến đấu và đã đổ không biết bao nhiêu xương máu cho mảnh đất này. Nhìn lại mảnh vườn nhà tôi ngày xưa nay đã phủ xanh hoa màu tôi như vẫn nghe đâu đó tiếng chân mẹ tôi thoăn thoắt đậy từng nắp hầm che giấu cán bộ và du kích mỗi khi có tín hiệu giặc tràn vào làng. Cũng như bà nội, mẹ tôi là người hết sức kiên cường. Chồng, rồi bố chồng bị giặc giết, mẹ vẫn bám trụ hoạt động, che giấu cán bộ, nuôi dưỡng, che chở cho hai chị em tôi.

Những người như mẹ tôi, ông Xuân… vì không tìm được chứng cứ chúng buộc phải thả ra. Nhưng bao người khác bị chúng bắt bớ, tù đầy. Thím tôi- Lê Thị Thục bị bắt vì một tên phản bội chỉ điểm, bị tra tấn dã man và bị đày ra Phú Quốc, mãi sau hòa bình mới được trao trả tù binh. Rồi chú tôi, Nguyễn Văn Mão cũng bị địch bắt và chịu tù đày.

Mặc dù địch tiến hành những cuộc bắt bớ, thảm sát dã man hòng lung lạc ý chí chiến đấu bảo vệ quê hương, nhưng người dân Quán Trang vẫn không hề nao núng. Người này ngã xuống, người khác đứng lên. Với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời” Quán Trang lập làng chiến đấu: đào giao thông hào quanh làng, từng nhà đào hầm trú ẩn, hầm bí mật nuôi giấu cán bộ để bám trụ mỗi khi lực lượng tự vệ buộc phải rút khỏi làng.

Huyền thoại đánh Tây

Đã có biết bao tấm gương hy sinh dũng cảm, những câu chuyện tình yêu như huyền thoại. Cả những mất mát to lớn và cả những nỗi đau kinh hoàng mà người dân Quán Trang phải gánh chịu. Tất cả những cái đó đã làm nên một bản hùng ca về cuộc chiến đấu giữ nước, giữ nhà của người Quán Trang.

Ông Nguyễn Văn Vi, Bí thư Chi bộ thôn Quán Trang đang dâng hương tại Đài tưởng niệm
Ông Nguyễn Văn Vi, Bí thư Chi bộ thôn Quán Trang đang dâng hương tại Đài tưởng niệm.

Nguyễn Văn Hồng được người Quán Trang nhắc tới như một vị anh hùng của làng gắn với chiếc be cau đánh giặc mà hiện nay lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đó là đêm 25/5/1949. Chú tôi Nguyễn Văn Mão kể lại rằng, đêm ấy du kích làng kết hợp với bộ đội trên tỉnh về để nhử địch ra đánh, mãi đến gần sáng chúng mới mò vào làng. “Sự cố” trận phục kích ấy là do mìn của du kích lúc giật lại không nổ mà giặc chỉ cách mấy bước. Địch phát hiện xả súng làm mấy người chết. Thấy tình hình nguy cấp, Nguyễn Văn Hồng lao lên xông thẳng vào ba tên giữ hỏa lực chặn làn đạn lại để cứu nguy cho đồng đội... Miệng hô “xung phong!” Bọn giặc nghĩ thế quân ta đang mạnh nên hoảng sợ, vì thế mà đồng đội... rút lui an toàn còn ông thì ra đi mãi mãi với tấm thân chi chít vết đạn…”.

Lịch sử của làng Quán Trang quê tôi thường được bồi đắp bằng những câu chuyện có thực mà người mới nghe lần đầu khó có thể tin được. Trong pho sử ấy có chuyện thách cưới bằng... lựu đạn!

Bây giờ cả cô dâu và chú rể đã là người thiên cổ, nhưng đôi khi người già làng tôi trong các đám cưới vui vẻ thường mang chuyện “thách cưới bằng lựu đạn” ra kể cho con cháu nghe. Ngày ấy cô du kích Nguyễn Thị Là đẹp người đẹp nết nhất làng. Trai làng trên xóm dưới rồi làng bên dòm ngó, đánh tiếng, nhưng hiềm một nỗi bà cụ thân sinh ra cô Là có kiểu “thách cưới” có một không hai: “Ai mang đủ 30 quả lựu đạn đến là tôi sẽ gả con gái cho”. Cuối cùng ứng cử viên nặng ký nhất lại rơi sang làng khác, đó là xã đội trưởng mãi bên Thanh Hà. Ngày lành tháng tốt, khi nhà trai đội hai mâm lựu đạn qua sông, đếm đủ không thiếu một trái đưa cho du kích là hai họ coi như xong phần nghi lễ. Cụ không nhận thêm bất cứ một thứ gì. Đám cưới ấy đã đi vào lịch sử của làng tôi.

Những câu chuyện đánh giặc giữ làng như là huyền thoại ấy của người dân Quán Trang đã từng được báo Tiền Phong đăng tải trên hai số báo ra vào các ngày 8 và 9/7/2008. Trao đổi với chúng tôi Chủ tịch xã Bát Trang Bùi Đức Bình nói: “báo Tiền Phong đã làm cho nhiều cán bộ Bát Trang ý thức và trách nhiệm hơn với lịch sử quê hương và đó cũng là một trong những tư liệu chính để chúng tôi làm hồ sơ để Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG