'Bùng phát' taxi công nghệ

TP - Sau Uber và Grab, hiện có thêm 7 doanh nghiệp tham gia thị trường taxi công nghệ, đưa đến dịch vụ tiện dụng, giá rẻ. Tuy nhiên, xuất hiện quan ngại gia tăng phương tiện mất kiểm soát dẫn đến ùn tắc giao thông và thiệt hại cho chính những chủ xe tham gia dịch vụ này.

Thời gian gần đây, thay vì công khai phản ứng trước sự phát triển của Uber và Grab, nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp taxi đã âm thầm triển khai các dịch vụ tương tự. Đơn cử Hãng Taxi Thành Công vừa công khai ra mắt ứng dụng gọi xe Thanh cong app. Ứng dụng này có sử dụng loại taxi không có đèn trên nóc xe, không có tem bên thành xe, bề ngoài giống như xe gia đình – loại hình mà Uber và Grab đang ứng dụng.

Đại diện hãng gọi đây là “taxi không mào”, “taxi không sợ cấm đường”. “Thanh cong car là xe hợp đồng giống như Uber và Grab, chúng tôi đưa ra loại hình này nhằm giải quyết nhu cầu cho khách đi các tuyến đường cấm xe taxi có mào” - vị đại diện nói. Tương tự, Taxi Mai Linh phát triển phần mềm Mai Linh Taxi với sự xuất hiện của dòng xe “VIP” - không tem, không mào. Taxi Vinasun hay Taxi Group … cũng đã có dòng xe taxi không mào, không đèn, không lo bị cấm đường.

Công bố từ Bộ GTVT cho biết, hiện số doanh nghiệp tham gia dịch vụ taxi qua mạng này lên tới 9 đơn vị. Các số liệu công bố gần đây cho thấy, TP HCM hiện có 22.000 xe dưới 7 chỗ hoạt động theo loại hình hợp đồng (loại hình đăng ký để hoạt động taxi công nghệ), Hà Nội có hơn 10.000 xe loại này. Đại diện sở GTVT hai thành phố này đều đề nghị có biện pháp ngừng gia tăng phương tiện để tránh áp lực lên đường giao thông.

Trao đổi với Tiền Phong, anh Nguyễn Văn N (quận Nam Từ Liêm – Hà Nội) cho biết: Cách đây một năm, anh đầu tư mua 3 xe Kia Morning rồi cho lái xe chạy Uber và Grab. Thời gian đầu thu nhập được 12 triệu đồng/xe/tháng. Đến nay, khách ít, lái xe trả xe, anh phải bán lỗ hơn 100 triệu đồng/xe. Nhiều lái xe Uber và Grab cũng cho biết, hiện thu nhập của họ không đạt như thời kỳ hai doanh nghiệp này đổ tiền vào tạo lập thị trường.

Liên quan taxi công nghệ, văn phòng Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý dịch vụ taxi công nghệ sau 1 năm thí điểm. Theo đó, Bộ GTVT nêu quan điểm ủng hộ việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào lĩnh vực vận tải. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác quản lý hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng, không phát sinh ùn tắc giao thông, Bộ GTVT đưa ra một số biện pháp quản lý.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thí điểm loại hình này (hiện có 9 đơn vị) phải báo cáo về Sở GTVT, Sở Tài chính, cơ quan thuế về tình hình hoạt động. Với các Sở GTVT, Bộ GTVT yêu cầu cung cấp số lượng hoạt động loại hình này cho Phòng CSGT, cơ quan thuế để cùng thực hiện công tác quản lý. Đặc biệt, trong bản thông báo này, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các Sở GTVT rà soát các tuyến đường, phố có biển báo cấm xe taxi thì đồng thời đề xuất với UBND cấp tỉnh cho phép bổ sung biển báo phụ cấm cả xe hợp đồng nhằm đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh. Các đề nghị taxi công nghệ phải gắn mào, dán tem bên thành xe như đề nghị của một số doanh nghiệp, địa phương không được đưa vào bản thông báo kết luận này. 

“Các địa phương cần chủ động trong quy hoạch taxi công nghệ. Cấm hẳn như Đà Nẵng không nên. Nhưng cũng không thể để phát triển quá mạnh dẫn đến hệ luỵ như các tỉnh khác. Việc này theo quy định thuộc về địa phương, Bộ GTVT tự ôm cũng không thể làm nổi”

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

MỚI - NÓNG