Bùng nổ thơ được phổ nhạc

TP - Cuốn sách “Khúc ru trầm” mới xác lập kỷ lục Việt Nam, giới thiệu 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Cứ tưởng Nguyễn Ngọc Hạnh là nhà thơ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất hiện nay. Hoá ra không phải. Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng có lẽ mới xứng ngôi “vô địch”. Tính sơ sơ anh đã có trên 300 bài thơ thiếu nhi được phổ nhạc. Con số này xô đổ cả kỷ lục mà cố thi sĩ Tạ Hữu Yên lập được trong quá khứ: Khoảng 160 bài thơ được phổ nhạc.

Phổ xong phần lớn… để đó

Bùng nổ thơ được phổ nhạc ảnh 1

Nguyễn Vĩnh Tiến - Nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên phổ thơ cho thơ từ ChatGPT.

Nguyễn Lãm Thắng hiện là giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế. Anh chuyên viết cho thiếu nhi, nhiều bài được chọn vào sách giáo khoa. Không có gì ngạc nhiên khi các nhạc sỹ ở trong nước và hải ngoại chọn thơ anh để phổ nhạc, nhiều đến mức Nguyễn Lãm Thắng không tính được hết: “Tôi không thể nhớ chính xác có bao nhiêu bài thơ của tôi được phổ nhạc. Nhưng chắc chắn hơn 300 bài. Tôi cũng chỉ mới tính mảng thơ thiếu nhi, chưa tính mảng thơ dành cho người lớn”. Rất nhiều nhạc sĩ quen thuộc phổ thơ Lãm Thắng như nhạc sĩ Hoàng Lương, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, nhạc sỹ Quỳnh Hợp, nhạc sỹ Yên Lam…

Trước câu hỏi của phóng viên: “Được các nhạc sỹ quan tâm tới những “đứa con tinh thần” của mình như thế, anh có vui không?”. Lãm Thắng cười nhẹ: “Vui thì có vui nhưng có tiếc một điều, độ phủ sóng của các ca khúc phổ thơ của tôi yếu. Mang tiếng thơ tôi được phổ nhạc nhiều nhưng độ lan toả lại ít. Nhạc sĩ ở Huế là Trương Pháp tự hát, tự làm video những ca khúc phổ thơ tôi, đăng trên YouTube. Lâu lâu đài Huế mới dùng, một số trường mầm non ở Huế cũng dùng. Lác đác ở tỉnh khác cũng dùng, cũng phát trên đài truyền hình địa phương. Nhưng phần nhiều những ca khúc phổ thơ tôi đều chịu số phận phổ xong để đó, không có điều kiện dàn dựng thành bài đàng hoàng, để lưu hành trong công chúng”.

Cha đẻ của hơn 1 ngàn bài thơ viết cho thiếu nhi kể thêm: “Nhạc sĩ Hồ Hoàng ở Cần Thơ phổ của tôi khoảng 200 ca khúc. Mới đây ông xin được tài trợ nên xuất bản được tập ca khúc “Nắng mai” gồm 100 ca khúc phổ thơ tôi. Ông nói sẽ in tiếp tập 2. Nhưng dù thế, vẫn chưa tiếp cận được với khán giả sâu rộng. Cách đây nhiều năm, nhạc sỹ Trương Pháp có làm một đêm ra mắt album, trong đó 80% lời là của Nguyễn Lãm Thắng. Tốn kém bao nhiêu, nào in đĩa, nào thuê ca sĩ… Nhưng kết quả sau đêm ra mắt, chỉ có vài bài phỏng vấn trên báo, sau đó im bặt”.

Trong số những nhạc sĩ chọn thơ Lãm Thắng phổ nhạc thì nhạc sĩ Yên Lam có điều kiện để quảng bá tác phẩm tốt nhất. Bởi anh có trong tay tất cả, từ chuyên môn, ca sĩ tới phòng thu… Bé Bào Ngư, con gái Yên Lam, vốn là “sao” trong làng ca nhạc thiếu nhi.

Yên Lam viết ca khúc, Bào Ngư thể hiện, như bài “Heo đất ngày xuân”, phổ thơ Lãm Thắng chẳng hạn. Trong khi mảng ca khúc thiếu nhi hiện nay bị nhiều phụ huynh than quá thiếu. Đứa trẻ nào cũng hát “cháu lên ba cháu đi mẫu giáo…” nhưng hàng trăm ca khúc phổ thơ Lãm Thắng đang bị cất kho, không chỉ là nỗi buồn của nhà thơ, nhạc sĩ mà còn là thiệt thòi cho các em nhỏ.

Cũng giống như trường hợp Nguyễn Lãm Thắng, những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được nhiều nhạc sĩ ở khắp mọi miền đất nước quan tâm. Trong số đó, có những cái tên quen thuộc như Phan Huỳnh Điểu, Hoài An, Võ Hoài Phúc, Trọng Đài, Nguyễn Cường, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Vĩnh Tiến… Nhưng không nhiều ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được phủ sóng rộng rãi. Theo nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, “Qua đò nhớ mẹ” do nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Tiến phổ nhạc, đang là ca khúc “ăn khách” nhất trong số những bài thơ giao duyên cùng âm nhạc của ông. “Qua đò nhớ mẹ” thu hút vài triệu lượt xem trên YouTube, một con số cũng tạm ổn nhưng còn lâu mới khiến nhạc phẩm này được tặng mác “ca khúc quốc dân”.

Thơ được vào nhạc là do ưu ái?!

Một sự chạnh lòng không hề nhẹ khi các nhà thơ có thơ được phổ nhạc bị nhiều người hiểu sai vấn đề. Họ cho rằng, chẳng qua do quen thân nhạc sĩ nên thơ mới được để ý. Nhưng chính các nhà thơ có thơ được phổ nhạc cũng còn đang đi tìm câu hỏi: Vì sao thơ của mình được nhạc sỹ quan tâm? Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh cho rằng: “Có nhiều người làm thơ lắm, thậm chí thơ của họ còn hay hơn thơ của tôi. Tôi nghĩ, không hẳn thơ hay mới được phổ nhạc mà ở đây là cái duyên trên con đường văn học nghệ thuật. Người làm thơ và người làm nhạc gặp nhau ở sự đồng điệu tâm hồn”. Nhiều nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh không biết ông là ai… Nhà thơ gốc Quảng Nam kể: “Từ bài thơ “Qua đò nhớ mẹ” của tôi đăng trên Văn nghệ Quân đội, nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Tiến đã phổ nhạc, mà tôi không hay biết. Sau này, tôi biết vì thấy phát trên VTV1. Qua tìm hiểu tôi mới hay nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến đang sinh sống ở Mỹ. Một dịp ông từ Mỹ về Sài Gòn có mời tôi vào chơi. Rồi tôi qua Mỹ cũng ghé thăm ông.

Bài thơ “Qua đò nhớ mẹ” còn được nhạc sĩ, bác sĩ Trọng Lưu phổ nhạc. Ca khúc cũng được phát trên VTV. Ông Trọng Lưu không biết tôi là ai, ở đâu. Bởi ông làm chuyên môn không coi mạng xã hội. Nhưng Trọng Lưu quen với Nguyễn Trọng Tạo. Tôi và Nguyễn Trọng Tạo lại thân nhau. Anh Tạo nói với Trọng Lưu: Bài này thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh, ông có biết không? Trọng Lưu đáp: Không biết, tôi thấy trên Văn nghệ Quân đội. Khi đã thông tỏ, nhạc sỹ Trọng Lưu đã mời tôi ra Hà Nội chơi, từ đó chúng tôi mới biết nhau”.

Bùng nổ thơ được phổ nhạc ảnh 2

Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng

Nhạc sĩ Nguyễn Lãm Thắng cũng từng bị người ta nghi ngờ: Quen thân nhạc sĩ nên được nhạc sĩ ưu ái. Lãm Thắng nói: “Tuyệt đối không có chuyện đó. Giống như sách giáo khoa dùng trên dưới 20 bài thơ thiếu nhi của tôi. Có nhiều người gọi điện cho tôi bảo: Có lẽ tôi quen với nhóm tác giả nhiều lắm. Xin lỗi, tôi có biết ai đâu?”.

Nỗi niềm bị mất tên

Không được phổ thơ nhiều cỡ Nguyễn Lãm Thắng hay Nguyễn Ngọc Hạnh nhưng nhà thơ Giáng Vân lại may mắn có nhạc phẩm nổi tiếng “Đâu phải bởi mùa thu”, được nhạc sĩ Phú Quang chắp cánh từ bài thơ “Yên tĩnh”. Hỏi chuyện Giáng Vân quanh nhạc phẩm “Đâu phải bởi mùa thu” chị đều từ chối nhưng khi đụng đến câu hỏi: Chị nghĩ sao khi nhiều khán giả quên mất tên chị trong ca khúc “Đâu phải bởi mùa thu”, Giáng Vân mới “nhập cuộc”.

Bùng nổ thơ được phổ nhạc ảnh 3

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Chị kể: “Chuyện mất tên xảy ra từ khi ca khúc ra đời, năm 1990. Khi đó, Phú Quang in một tập nhạc tặng cho cụ Trọng Loan cạnh nhà tôi. Cụ Trọng Loan gọi tôi sang bảo: Cái bài hát của Phú Quang như bác nhớ là thơ của cháu. Vì cụ rất thuộc thơ tôi, cụ có phổ thơ tôi. Nhưng trước khi cụ Trọng Loan nói vậy thì mấy em sinh viên đã thắc mắc với tôi: Tại sao thơ của chị mà nhạc sĩ Phú Quang không nhắc? Thế là tôi mới biết bài “Yên tĩnh” được phổ nhạc. Sau đó, nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại vào Sài Gòn. Trước khi đi ông hỏi tôi: Có muốn nhắn nhủ gì không? Tôi bảo: Anh nói với Phú Quang, thơ của Giáng Vân mà Phú Quang không để tên Giáng Vân.

Sỹ Đại trở ra, chuyển lời của Phú Quang: Thơ của Giáng Vân in năm 90, mà nhạc Phú Quang phổ năm 89. Nhưng thực ra, bài “Yên tĩnh” đã in lần đầu tiên năm 1983 ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Còn năm 1990 mới in trong tập thơ của tôi. Rồi chị Thảo Phương, tác giả phần lời ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông”, biết chuyện này. Chị ấy thẳng tính nên lập tức nói chuyện với Phú Quang. Sau đó, Phú Quang làm ba động tác: In lại tập nhạc khác rất đẹp, ghi nhạc Phú Quang, lời Giáng Vân. In một đĩa CD có nhiều bài, ghi tên các nhà thơ mà Phú Quang phổ nhạc. Rồi anh ấy cũng tổ chức một chương trình âm nhạc hoành tráng giao lưu thơ nhạc, trong đó tôi và các vị khác góp mặt, được trả nhuận bút 300 ngàn đồng”.

Bùng nổ thơ được phổ nhạc ảnh 4
Nhà thơ Giáng Vân

Với chuyện nhà thơ bị mất tên trong ca khúc, Giáng Vân không đổ lỗi hoàn toàn cho nhạc sĩ. Những người sử dụng ca khúc ở Việt Nam cũng hay quên không giới thiệu tác giả phần lời khi họ trình diễn. Phú Quang còn một ca khúc khác có sự góp sức của Giáng Vân. Chị giới thiệu: “Bài “Trong giấc mơ xưa” mà ca sĩ Ngọc Anh hay hát thì tôi lại thường xuyên được đề tên ở phần lời”.

Ngoài Phú Quang, thơ Giáng Vân còn lọt mắt xanh nhạc sĩ Ngọc Đại. Thi sĩ chia sẻ: “Phú Quang phổ hai bài thơ của tôi còn Ngọc Đại phổ đến 20 bài. Ngọc Đại luôn giới thiệu tác giả phần lời. Thậm chí có những bài tôi đề nghị nhạc sĩ bỏ tên tôi ra. Nhưng Ngọc Đại bảo: Anh đọc thơ em, anh có cảm hứng nên viết bài này. Song không có tí lời thơ nào của tôi trong ca khúc nên tôi kịch liệt phản đối đưa tên tôi vào”.

Nhạc sĩ phổ thơ nhiều nhất Việt Nam

Tôi hỏi nhạc sĩ Giao Tiên: “Liệu ông có phải nhạc sỹ phổ thơ nhiều nhất Việt Nam?”. Ông cười vui vẻ: “Đúng, đúng”. Tác giả “Lại nhớ người yêu” đã làm việc này nhiều năm nay: “Tôi phổ tặng bạn bè mỗi người một bài. Họ không tốn chi phí gì cho riêng tôi. Tôi tặng thôi. Chỉ có chút chi phí thế này: Tôi phổ nhạc xong, in bản nhạc ra một tờ giấy màu, tiền in tờ nhạc đó là 20 ngàn đồng, với tiền vận chuyển tờ nhạc đến tác giả bài thơ là 30 ngàn đồng, tổng cộng nhà thơ chỉ phải trả 50 ngàn đồng”.

Nhạc sĩ Giao Tiên được gì từ việc phổ nhạc cho thơ? “Tôi quý bạn bè, nhà thơ thì làm, không có dụng ý gì hết”, ông đáp. Nhưng với những bài thơ tâm đắc thì ông sẽ làm đầu tư công sức. “Tôi đã bán được khá nhiều bài. Nhiều hãng mua ca khúc phổ thơ của tôi rồi. Đó cũng là một nguồn thu nhập của tôi”, ông “bật mí”.

Có ý kiến cho rằng, phong trào phổ nhạc cho thơ hiện nay sẽ khiến nhạc và thơ cùng “hạ giá”. Nhạc sĩ Giao Tiên cười: “Ai muốn đánh giá thế nào cũng được. Tất nhiên không phải lúc nào cũng phổ hay, cũng phải có bài dở chứ”.

Nhạc sĩ phổ thơ ChatGPT đầu tiên

Nhạc sĩ đầu tiên phổ nhạc cho thơ từ ChatGPT có lẽ là Nguyễn Vĩnh Tiến. Quan điểm của anh như sau: “Tôi thấy phổ thơ gì cũng được. Nhưng tôi phải cấu trúc lại cho có ý tứ tổng thể”. Anh thích thú khi được xem là người đầu tiên phổ thơ ChatGPT. Nhưng Nguyễn Vĩnh Tiến cũng chỉ phổ nhạc cho thơ để đăng Facebook: “Ca sĩ nào thích thì mua. Biết đâu họ lại nổi tiếng vì hát bài của ChatGPT và Nguyễn Vĩnh Tiến”, anh hài hước.