Bùng nổ sách ám chỉ

Bùng nổ sách ám chỉ
TP - Thị trường sách hiện nay rất phong phú, đa dạng, đủ các thể loại, mô tả mọi vấn đề cuộc sống… Có những cuốn sách tốt, hữu ích nhưng cũng xuất hiện không ít những cuốn sách “ám chỉ” thô thiển, dùng chữ để thoá mạ, bôi nhọ nhau…

Vừa rồi, tôi có đem tập bản thảo truyện ngắn đến một NXB. Nhận tập bản thảo, chưa kịp liếc mắt nhìn nội dung, biên tập viên (BTV) đã hỏi: “Trong cuốn sách này cậu viết có “ám chỉ” ai không đấy?

“Ám chỉ” nhau là chúng tôi không in đâu, phiền hà lắm!”. Tôi trố mắt ngạc nhiên gặng hỏi vì sao lại thế?

Ông BTV giải thích, mấy tháng trước in mấy cuốn tiểu thuyết, xuất bản xong là có đơn thư kiện cáo đủ thứ. Số là nhân vật phản diện trong cuốn tiểu thuyết ấy giống y đúc ngoài đời, ông nhà văn “bê” nguyên vào truyện, thậm chí còn hư cấu thêm theo hướng xấu xa hơn.

Khi NXB hỏi để giải quyết sự việc, ông nhà văn hồn nhiên trả lời: “Đây là sách văn học, chúng tôi hư cấu đấy chứ, quyền của chúng tôi là quyền được hư cấu…”. Đến đây thì các “quan toà” của NXB bó tay vì đúng là văn chương có quyền được… hư cấu.

Gần đây, các NXB đều rất ngạc nhiên khi nhận được nhiều bản thảo của các tác giả đã nghỉ hưu. Có những cuốn lên tới 5 ngàn trang bản thảo viết tay.

Dù dày dù mỏng thế nào, các BTV cũng dễ dàng nhận ra những tác phảm “ám chỉ” các “đồng đội” ở cơ quan cũ, “ám chỉ” cả những hàng xóm láng giềng, “ám chỉ” đủ thứ mà họ cho là “không hợp với mình”. Chân dung bà A, ông B hiện ra chẳng khác nào những kẻ xấu xa, đồi bại, vô liêm sỉ nhất…

Có ông trước đây khi còn đương chức, bị cấp trên trù úm gây khó dễ nên bao nhiêu oán thù ông đổ hết vào trang viết khiến “vị cấp trên” ấy như một tên hề.

Trong nhiều trường hợp, vì “biết người, biết việc” và lường trước được hậu quả nên NXB đã thành thật khuyên tác giả nên điều chỉnh lại cho phù hợp. Nếu NXB không tỉnh táo thì tác phẩm “ra lò” sẽ vô tình tiếp tay cho sự trả thù bằng “bia miệng” và “chữ nghĩa”.

“Phang” nhau nhiều nhất có lẽ vẫn là những người trong giới văn chương. Ông nhà thơ X sau khi liên tục bị nhà phê bình Y chỉ trích trên báo về nghệ thuật ngôn từ… đã âm thầm nuôi chí trả thù.

“Anh hùng báo thù mười năm chưa muộn” nên ông nhà thơ đã lấy ngắn nuôi dài, ngày viết thơ đêm viết tiểu thuyết mà nhân vật bị “ám chỉ” chính là nhà phê bình Y. Trời ôi, nhân vật hiện lên trong sách với đủ những tật xấu, mưu mô, đê hèn, tráo trở, thậm chí được ví với con chó cắn càn… và bị “dọa”: Rồi có ngày bị người ta vác gậy đánh chết!

Có một nữ sĩ chuẩn bị ra cuốn sách mà qua điện thoại bà nói: “Sẽ làm khuynh đảo cả nền văn học và làm cho một số kẻ “sĩ bọ” phải cắm mặt mà đi…” và bà mời tôi tham gia giới thiệu, phê bình trên một số tờ báo (tất nhiên là muốn phê bình tốt, đánh bóng tác phẩm).

Sau khi đọc xong bản thảo, tôi thấy các nhân vật phản diện bị nữ sĩ “ám chỉ” hiện lên rõ mồn một và cảm thấy rất “sượng”. Tôi tham gia với tác giả nên ngừng viết theo kiểu “ám chỉ” vì không có lợi và chẳng NXB nào muốn in.

Nữ sĩ kiên quyết không chịu và xếp tôi vào loại “những kẻ nhát gan” (tất nhiên tác giả vẫn đưa bản thảo đến các NXB nhưng đến nay chưa đâu in).
Lại có nhà văn tầm tầm bậc trung muốn nổi tiếng nên “sáng tác” bằng cách bôi nhọ một nhà văn bậc tiền bối đáng kính, đáng trọng. Cũng may cuốn sách không được xuất bản.

Xét về pháp lý, để bắt bẻ những tác giả viết sách kiểu “ám chỉ” nhau như một số trường hợp nêu trên là rất khó. Bởi, cái lý họ đưa ra bao giờ cũng là quyền hư cấu trong sáng tác. Nhưng “ám chỉ” nhau biểu hiện một văn hoá rất thấp kém.

Điều đáng buồn là, một số người (không ít các nhà phê bình) đã “hùa” nhau cùng tác giả “diệt” kẻ thù bằng những cuốn sách “ám chỉ”. Đây quả là vấn đề nhạy cảm và khó khăn. Việc bảo vệ sự trong sáng của tác phẩm văn chương càng trở nên hết sức cần kíp trong thời điểm hiện nay, khi phong trào ám chỉ có vẻ đang lên.

Các văn tài như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… vẫn lấy chất liệu, nhân vật trong cuộc sống để sáng tác, xây dựng nhân vật rất thành công. Nhưng có điều sự khác nhau giữa những văn tài và các nhà “ám chỉ học” là ở động cơ và cái tâm trong lao động sáng tác. Chẳng thế mà đại thi hào Nguyễn Du mới nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
MỚI - NÓNG