Sợ trách nhiệm, không ai dám ký?
Theo ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng-Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chuyển đổi 8 DN nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Theo ông Tuất, quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty gặp nhiều khó khăn do vướng quá nhiều vấn đề về thủ tục. Qua làm việc với các đơn vị, những vướng mắc về khía cạnh pháp lý có 12 vấn đề, tài chính 9 vấn đề, người lao động 2 vấn đề. Vấn đề thủ tục hành chính gây khó DN cũng được đề cập. Có tập đoàn gửi đơn đến Bộ Tài chính xin được tự chọn nhà tư vấn nhưng 3 tháng không được trả lời. Việc xác định trị giá tài sản DN cũng là vướng mắc. Có đơn vị, trước trị giá tài sản được xác định nhiều tỷ đồng nhưng đến thời điểm đánh giá chỉ còn 500 triệu đồng nhưng không ai dám ký xác định trị giá còn lại đó, vì sợ trách nhiệm.
Vấn đề khác khiến công tác cổ phần hóa các đơn vị ì ạch chính là việc quy định cứng về tỷ lệ nắm giữ. Hiện đa số các nhà đầu tư đều muốn mua hơn 51% cổ phần của DN, vì sợ không kiểm soát được vốn.
“Có nhà đầu tư nói thẳng tôi ném tiền vào mà không kiểm soát được doanh nghiệp thì biết hoạt động DN thế nào? Chúng ta đưa ra các tiêu chí quá nặng nề, như: DN phải có số tài sản như thế này, có bao nhiêu năm hoạt động không bị lỗ. Đây là những tiêu chí không phải lúc nào cũng áp đặt được với tất cả các DN”.
Ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng-Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cũng cho rằng, thủ tục lằng nhằng là vấn đề phức tạp nhất trong cổ phần hóa. Thực tế tại Vinatex cho thấy, cổ phần hóa các công ty con đến công ty mẹ theo mô hình cổ phần hóa từ dưới lên trên, mất tới 16 năm. “Khi cổ phần hóa kiểu này mất nhiều thời gian nhưng được cái sức ép từ chính những công ty đã cổ phần hóa hoạt động hiệu quả buộc tập đoàn phải thay đổi mô hình hoạt động, đổi mới hơn. Sợ nhất là làm mô hình cổ phần hóa công ty mẹ xong thì ở phía dưới vẫn giữ nguyên, khi đó mục tiêu cổ phần hóa không đạt được. Năng động chủ động trong kinh doanh sẽ thực sự hiệu quả nếu cổ phần hóa đi vào thực chất”, ông Trường kể.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho biết, gánh nặng nhất trong cổ phần hóa chính là những vấn đề chưa được giải quyết trong quá khứ. Có trường hợp DN sau cổ phần hóa, nhiều công nhân bị sa thải dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Ngoài ra, các thủ tục giấy tờ giải quyết quá chậm chạp dẫn đến mất cơ hội cho DN vì thời điểm cuối năm bán vốn sẽ không thu được lợi nhuận cao. Như tại Cty Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) phải chờ đến tận 29/12 mới có thể hoàn thành việc thoái vốn. Công văn xin thoái vốn khỏi GIC gửi Bộ Tài chính 5 tháng nhưng mãi không được giải quyết. “Cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ công chức được giao trách nhiệm đi thực hiện cổ phần hóa ở các đơn vị”, ông An chia sẻ.
Không được làm chậm tiến trình cổ phần hóa
Cần có cơ chế mở cho DN trong việc cho phép bán cổ phần theo lô vì nếu bán vội sẽ dẫn đến mất giá, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng Giám đốc Tổng Cty CP Bia, Rượu, Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Việc các cơ quan quản lý thay đổi về chính sách thuế cũng là vấn đề được các DN lo ngại trong hoạt động và ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Theo ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho rằng, với quy định tính thuế mới, dự kiến năm sau công ty sẽ phải đóng thêm 1.500-1.600 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.
Ông Nguyễn Trọng Dũng, đại diện Vụ Đổi mới DN (Văn phòng Chính phủ) cho biết, hiện ngành công thương đã đạt 93% kế hoạch cổ phần hóa DN. Quan điểm của Chính phủ trong cổ phần hóa chủ yếu xử lý triệt để các vướng mắc cho DN trước khi thực hiện cổ phần hóa và Nhà nước phải gánh các khó khăn khi giải quyết các khó khăn vướng mắc đó. Nếu các bộ như KH&ĐT, Bộ Tài chính vướng mắc gì, những gì vượt thẩm quyền thì báo cáo lên Thủ tướng để giải quyết. Vấn đề chi phí cổ phần hóa không nên đặt nặng quá mà làm ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.
“Bộ KH&ĐT đã lấy ý kiến các bộ ngành và các địa phương để chuẩn bị trình Chính phủ về tỷ lệ nắm giữ sau cổ phần. Theo đó, sẽ chỉ giữ lại những gì độc quyền tự nhiên và đảm bảo an ninh quốc phòng như truyền tải điện, viễn thông. Ngoài ra, tỷ lệ cổ phần nắm giữ chỉ còn 2 mức 51% và 60%”, đại diện Vụ Đổi mới DN cho biết.
Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, ngành công thương hiện chỉ còn 5 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của Thủ tướng sẽ thực hiện cổ phần hóa từ năm 2016 (Tập đoàn Dầu khí; Điện lực, Công nghiệp Than, Khoáng sản; Hóa chất và Tổng công ty thuốc lá). Bộ đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty phải đẩy nhanh cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Đây là việc của các tập đoàn, tổng công ty, bộ không làm thay được.