Bức chân dung đặc biệt của họa sĩ Phạm Luận

TP - Cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nguồn cảm hứng vô tận trong thi ca, nhạc họa. Khi Tổng Bí thư vừa nằm xuống, rất nhiều bài thơ, bức tranh lấy cảm hứng từ bác đã được công khai và dành được nhiều tình cảm của công chúng. Nhưng có một bức chân dung về Tổng Bí thư lại chưa từng xuất hiện trong bất kể triển lãm nào, được Phạm Luận, một tên tuổi của hội họa Việt Nam đương đại, vẽ mừng sinh nhật lần thứ 80 của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một “bài toán” khó

Nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trút hơi thở cuối cùng, phóng viên đã kết nối với họa sĩ Phạm Luận, mong muốn ông chia sẻ về bức chân dung đặc biệt trong sự nghiệp cầm cọ của ông. Nhưng Phạm Luận từ chối, ông muốn giữ câu chuyện cho riêng mình.

Sau quốc tang, tôi gửi email cho Phạm Luận động viên ông suy nghĩ lại đề nghị của tôi. Phải nhờ họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam góp thêm đôi lời khích lệ, cuối cùng họa sĩ Phạm Luận đã mời tôi đến xưởng vẽ của ông.

Bức chân dung đặc biệt của họa sĩ Phạm Luận ảnh 1

Họa sĩ Phạm Luận (trái) và ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương bên bức chân dung đặc biệt.

“Tối hôm ấy tôi đến Nhà hát Hồ Gươm xem một chương trình. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung Ương và họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng có mặt. Lúc 21h30, anh Đoàn gọi bảo Minh Nhựt muốn nói chuyện với tôi. Đến giải lao, Minh Nhựt nói: Em muốn nhờ anh vẽ chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi hỏi lý do thì Minh Nhựt đáp năm 2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tròn 80 tuổi. Ban Tuyên giáo Trung ương muốn có món quà đặc biệt tặng bác, mà không có món quà nào bằng một bức tranh. Minh Nhựt còn dặn tôi vẽ trong bí mật”, họa sĩ Phạm Luận kể.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Bức chân dung là “đặt hàng” của Ban Tuyên giáo Trung ương với họa sĩ Phạm Luận. Nhưng vượt lên tất cả, đó là tình cảm của Phạm Luận dành cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo tôi, đây là tác phẩm tốt nhất về Tổng Bí thư, tính đến thời điểm này, cảm xúc đầy đặn, chân nét chuẩn chỉ. Tác phẩm xuất thần, không phải họa sĩ nào cũng vẽ được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như thế! Tôi bất ngờ vì Phạm Luận chỉ trong 2 ngày hoàn thành một bức chân dung lớn, bắt trọn thần thái của nhân vật đặc biệt: Là lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng hết sức bình dị, hiền từ, bởi gốc của ông vẫn là nhà giáo”.

Trong sự nghiệp cầm cọ, Phạm Luận đã không ít lần vẽ theo “đơn đặt hàng”, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy hồi hộp như lần này. Họa sĩ nhớ lại cuộc trao đổi ngắn với Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương: “Tôi hỏi Minh Nhựt: Tôi có cơ hội gặp Tổng Bí thư không? Minh Nhựt trả lời: Không được gặp. Cho nên đây là một “bài toán” cực khó. Lúc ấy, tôi đành nói với Minh Nhựt: Vậy, anh cung cấp cho tôi hình ảnh của bác thật sắc nét”.

Từ Nhà hát Hồ Gươm trở về nhà, dù đêm đã khuya, Phạm Luận vẫn không thể chợp mắt. Ông ngồi dậy ra máy tính kiếm tìm hình ảnh của nhân vật đặc biệt nhưng không có bức nào ưng: “Tôi phải kết hợp một số bức ảnh thì mới ra được chân dung mà tôi đang cần”, Phạm Luận nói.

Thời điểm năm 2023, họa sĩ nổi tiếng đang bận vẽ hàng loạt chân dung người thân, đồng nghiệp, bè bạn để chuẩn bị cho cuộc triển lãm cá nhân mừng tuổi 70 của mình. Nhưng khi nhận đề nghị của ông Nguyễn Minh Nhựt, ông dừng tất cả tác phẩm dang dở, tập trung vẽ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quyết tâm giải được “bài toán” khó.

Ông tâm sự: “Tôi chưa từng được gặp Tổng Bí thư, dù hình ảnh của bác bao năm qua truyền thông đã cung cấp rất đầy đủ. Còn các nhân vật khác thì tôi phải ngồi trò chuyện, chụp một số ảnh, rồi mới vẽ. Nhưng tôi đã nhận lời thì tôi phải vượt qua”.

Bức chân dung đặc biệt của họa sĩ Phạm Luận ảnh 2

Chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 90 cm x 100 cm, sơn dầu trên vải, của họa sĩ Phạm Luận.

Đêm hôm trước nhận lời, chiều hôm sau Phạm Luận đã tính toán kích thước tranh. Ông chọn kích thước khá lớn 90x100 cm: “Chọn xong kích thước tôi quyết định không chờ Minh Nhựt mang ảnh đến mà vẽ ngay lập tức vì xúc cảm dâng trào. Tôi vẽ một mạch trong 2 ngày, không sửa, không vẽ lại. Khi bức chân dung hoàn thành, tôi ngắm nhìn và thấy hài lòng. Hai hôm sau vợ tôi và con gái xuống xưởng vẽ, nhìn thấy bức chân dung Tổng Bí thư đều ngỡ ngàng thốt lên: Đẹp quá! Người đến làm khung tranh cũng trầm trồ. Bạn đến sửa điện cũng dừng lại bên bức chân dung với vẻ ngạc nhiên và xúc động. Những lời khen tặng của những người không cầm cọ, không hoạt động nghệ thuật là món quà khích lệ tinh thần lớn nhất với tôi”, Phạm Luận trải lòng.

Họa sĩ trước hết là một công dân

Phạm Luận kể tiếp: “Hơn một tháng sau Nguyễn Minh Nhựt và Lương Xuân Đoàn hẹn buổi tối đến nhà tôi, đặt vấn đề cụ thể về việc vẽ chân dung Tổng Bí thư.

Minh Nhựt đến, tôi vờ hỏi: Hình ảnh của bác Trọng đâu? Minh Nhựt bảo tôi: Họa sĩ cứ vẽ theo cảm nhận của mình, không cần ảnh. Tôi đồng ý và có một yêu cầu với Minh Nhựt: Với tôi, việc vẽ chân dung Tổng Bí thư không thể nói đến chuyện thù lao, kể cả chút ít hỗ trợ họa phẩm tôi cũng không nhận, tôi vẽ bằng tấm lòng của một công dân, một nghệ sĩ. Nếu đồng ý thì tôi mới vẽ. Minh Nhựt rất vui và cảm ơn tôi. Lúc này, tôi dẫn Minh Nhựt và Lương Xuân Đoàn lòng vòng xem tranh trong xưởng, đến bức chân dung đặc biệt tôi thình lình lật tranh ra. Cả hai vị đều bất ngờ và hỏi tôi vẽ lúc nào nhanh thế? Tôi chỉ bảo, khi cảm xúc đến phải vẽ ngay. Nghệ sĩ vốn như thế. Có những khi xúc cảm đến bất chợt, không kiểm soát được, rất khó giải thích.

Bức chân dung đặc biệt của họa sĩ Phạm Luận ảnh 3

Bìa sách của Phạm Luận

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn thấy bức chân dung của mình trước khi lìa xa nhân thế? Tôi hỏi họa sĩ.

Ánh mắt Phạm Luận thoáng tiếc nuối: “Minh Nhựt nói, đã báo cáo với bác về món quà đặc biệt, Tổng Bí thư rất vui nhưng muốn được nhận vào đúng dịp sinh nhật, tháng 4/2024. Cho nên tranh vẫn ở xưởng vẽ của tôi mãi trước Tết ta Nguyễn Minh Nhựt mới đến nhận tranh. Trước đó tôi đã làm bộ sách tập hợp nhiều chân dung trong đó có bức chân dung đặc biệt. Tôi nghĩ Tổng Bí thư đã kịp xem bức chân dung qua sách. Khi bác nằm xuống, VTV1 phát phim tài liệu về cuộc đời của bác, trong đó có cảnh quay phòng làm việc của Tổng Bí thư ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân (Hà Nội), tôi thấy ngay bức tranh tôi vẽ tặng.

Tết Nguyên đán 2023, tôi nhận được cuộc điện thoại của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Đồng chí gọi điện chúc mừng năm mới tôi và tiết lộ bức chân dung của Tổng Bí thư đang ở phòng làm việc của đồng chí, sáng bừng cả một góc”.

Kể đến đây, họa sĩ Phạm Luận trầm ngâm: “Tôi nhận lời vẽ nhưng không muốn nhân việc này để lăng xê tên tuổi. Tôi đã 70 tuổi rồi không cần thứ đó. Được vẽ về người lãnh đạo mà nhân dân yêu mến là vinh dự và may mắn của tôi”.

Ông lại tiếc: “Giá như được gặp Tổng Bí thư có thể tôi sẽ có thêm bức bác ngồi suy tư bên bàn làm việc”.

Tôi hỏi: “Điểm nhấn của bức chân dung về bác chính là ánh mắt và khóe miệng. Ông có thể lý giải đôi chút?”.

Phạm Luận giới thiệu: “Đây không phải bức chân dung bình thường mà là chân dung một nhà lãnh đạo mẫu mực. Người dân Việt Nam nào cũng có thể chấm điểm tác phẩm. Tôi không chọn khoảnh khắc bác cười mà hơi suy tư với tầm nhìn xa trông rộng”.