Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 (QL14) đoạn Pleiku - Cầu 110, tỉnh Gia Lai có nguồn vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy, việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư khi báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt là chưa phù hợp quy định. Tính toán sai khối lượng, áp dụng sai định mức và đơn giá đã làm tăng giá trị dự toán tại các gói thầu hơn 9,6 tỷ đồng.
Cũng theo KTNN, công tác nghiệm thu thanh toán tại một số gói thầu còn tình trạng sai khối lượng, sai định mức công suất, sai định mức tỷ lệ các khoản chi phí chung, áp dụng đơn giá vật liệu, máy thi công, xác định cự ly vận chuyển bê tông nhựa tại một số gói thầu dẫn tới sai lệch chi phí với số tiền giảm trừ hơn 18 tỷ đồng.
Cùng với đó, việc xác lập một số chỉ tiêu quan trọng trong phương án tài chính của dự án còn chưa phù hợp. Cụ thể, việc xác định lưu lượng xe làm cơ sở tính toán các chỉ tiêu doanh thu thu phí dựa trên số liệu đếm xe ba ngày lại suy rộng ra cho cả năm là chưa sát thực tế do chưa xét đến đặc điểm kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, các hệ số tăng trưởng lưu lượng xe và hệ số phân lưu lượng xe qua đường cao tốc Hồ Chí Minh lập chưa có đầy đủ cơ sở khoa học dữ liệu chứng minh.
Đặc biệt, thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính tạm tính ban đầu để ký hợp đồng BOT là hơn 20 năm, tuy nhiên qua rà soát, tính toán lại phương án tài chính thì thời gian thu phí chỉ 13 năm, giảm tới 7 năm so với phương án dự tính ban đầu. Cũng theo KTNN, dự án này có sử dụng hai trạm thu phí, với khoảng cách 56,67 km, nhỏ hơn mức 70 km theo quy định, tuy nhiên việc lựa chọn vị trí đặt đã được UBND tỉnh Gia Lai đề xuất, được Bộ GTVT chấp thuận, bổ sung vào quy hoạch.
Dự án nâng cấp mở rộng QL14, đoạn km1793+600 đến km1824+00 tỉnh Đắk Nông có nguồn vốn hơn 600 tỷ đồng, do Cty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 làm nhà đầu tư. KTNN cũng chỉ ra nhiều tồn tại, như Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; nghiệm thu thanh toán, quyết toán còn sai sót về đơn giá, khối lượng, định mức phải giảm trừ tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng và xử lý khác do chưa đủ cơ sở xác nhận hơn 21 tỷ đồng... Đặc biệt, phương án tài chính của hợp đồng BOT còn tính thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án bao gồm cả chi phí thuế giá trị gia tăng đầu vào được hoàn 81,5 tỷ đồng, dẫn đến tính toán thời gian hoàn vốn dự án chưa chính xác.
Thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính tạm tính ban đầu để ký hợp đồng BOT hơn 21 năm, tuy nhiên qua tính toán lại, cơ quan kiểm toán kết luận, thời gian thu phí chỉ với 9 năm, giảm 12 năm so với phương án ban đầu. Mặt khác, dự án này cũng chưa có quy định về biện pháp quản lý, kiểm soát, giám sát chống thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí BOT.
Trước thực trạng trên, KTNN đề nghị Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu có sự sai lệch, điều chỉnh lại các điều khoản hợp đồng BOT có liên quan để xác định lại thời gian hoàn vốn dự án. Khi xác định lại thời gian hoàn vốn của dự án phải xem xét, đánh giá khả năng chi trả của các đối tượng tham gia giao thông trên tuyến đường để xác định mức thu phí trên đầu phương tiện.