BOT Pháp Vân - Ninh Bình: Chây ì thu phí không dừng đến bao giờ?

Trong ngày 8/1, chủ phương tiện đi trên tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ vẫn phải xếp hàng trả phí bằng tiền mặt Ảnh: Anh Trọng
Trong ngày 8/1, chủ phương tiện đi trên tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ vẫn phải xếp hàng trả phí bằng tiền mặt Ảnh: Anh Trọng
TP - Những ngày qua, chủ phương tiện đi trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình vẫn xếp hàng dài trả tiền mặt. Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa “ra tối hậu thư” yêu cầu các doanh nghiệp phải triển khai thu phí ETC trước Tết Canh Tý.

Chính phủ đã yêu cầu, hết năm 2018 tất cả các trạm thu phí trên quốc lộ, trong đó có cả các tuyến cao tốc nằm trên quốc lộ (QL) 1A, QL 1B phải thu phí không dừng. Tuy nhiên, do nhiều trạm, trong đó có tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình vẫn chưa sẵn sàng thực hiện nên các đơn vị quản lý nhà nước đã cho nhà đầu tư lùi đến hết tháng 11/2019. Đến thời điểm này, nhiều trạm trên QL1 và cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình (QL 1B) vẫn chưa triển khai thu phí không dừng.

Cuối tháng 12/2019 vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã kiểm tra tiến độ thực hiện thu phí tự động ETC trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình do 2 nhà đầu tư quản lý là Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Tại đây, đại diện Tổng cục ĐBVN nhấn mạnh với hai nhà đầu tư rằng, đây là tuyến huyết mạch giao thông phía Nam Thủ đô Hà Nội với lưu lượng phương tiện rất lớn, việc áp dụng thu phí không dừng theo chủ trương của Chính phủ sẽ giúp giảm ùn tắc, căng thẳng giao thông trên toàn tuyến. “Tuy nhiên, việc triển khai thu phí tự động không dừng trên tuyến thực tế đang bị chậm so với yêu cầu”, đại diện Tổng cục ĐBVN đánh giá.

Ghi nhận của PV Tiền Phong trong ngày 8/1 và mấy ngày vừa qua cho thấy, phương tiện vẫn phải xếp hàng chờ trả tiền mặt qua các trạm phu phí trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 năm, cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình tiếp tục chây ì thu phí không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nút thắt nằm ở khoản “chung chi”

Chủ xe thường xuyên qua lại trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình cho biết, khi hay tin các doanh nghiệp sẽ triển khai thu phí không dừng nên thời gian qua, họ đã chủ động mở tài khoản ETC và nộp từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng để sử dụng. “Tuy nhiên, sau 3 lần doanh nghiệp chây ì, đến nay chủ phương tiện vẫn chưa thể thanh toán phí không dừng trên tuyến cao tốc này.

“Số tiền chúng tôi nộp vào tài khoản thẻ ETC mỗi tháng bị trừ từ 30 đến 50 nghìn đồng cho đơn vị được chỉ đạo cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH thu phí tự động VETC (công ty con của Công ty CP Tasco) với lý do thu phí duy trì thẻ và gửi tin nhắn SMS”, anh Nguyễn Văn Hà, một chủ xe thường xuyên đi lại trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình bức xúc nói.

Khúc mắc lớn nhất thời gian qua dẫn đến chủ đầu tư cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình nhiều lần chây ì thu phí ETC là do khoản chi phí dự án trích cho nhà cung cấp dịch vụ ETC là Công ty TNHH thu phí tự động VETC (Cty VETC) chưa được các bên thống nhất. Theo đó, đối với đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ (dài khoảng 30 km) hiện tại nhà đầu tư là Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đồng ý trích cho Cty VETC khoảng kinh phí 3% doanh thu tại trạm thu phí. Còn đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình (dài khoảng 50 km) đơn vị cung cấp dịch vụ Cty VETC yêu cầu trích 2,7% doanh thu, tuy nhiên mức này chưa được nhà đầu tư là VEC đồng thuận triển khai. Do vậy, dẫn đến cả tuyến chưa thể thực hiện thu phí ETC từ 1/1/2020.

Chiều 6/1, đại diện VEC cho biết, với tuyến đường này, doanh nghiệp có doanh thu khoảng hơn 2 tỷ đồng/ngày. Toàn bộ số tiền này phải chuyển vào tài khoản để nhà nước chi trả cho nguồn vốn vay bảo lãnh từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN khẳng định, việc thu phí ETC trên tuyến Pháp Vân - Ninh Bình không thể chậm trễ thêm nữa. Sau lần các nhà đầu tư tại đây chây ì triển khai thu phí ETC vào 1/1/2020, Tổng cục vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị lên phương án để triển khai thu phí không dừng trước Tết Nguyên đán. Với 2,7% tổng số tiền thu được VEC phải trích (trả) cho VETC. Trong những ngày tới, sau khi làm việc với các bên có liên quan, Tổng cục sẽ có văn bản xin ý kiến chỉ đạo tháo gỡ trực tiếp từ lãnh đạo Bộ GTVT.

MỚI - NÓNG