Trong khách sạn và sòng bài Jin Bei ở tỉnh Sihanoukville của Campuchia, đám đông khách Trung Quốc đang xuống tiền chơi bài, mức thấp nhất là 100 USD.
Casino mọc như nấm sau mưa
Từng là khu vực ven biển thanh bình, là thiên đường cho du khách bình dân, Sihanoukville đã biến thành một công trường xây dựng khổng lồ trong 3 năm qua. Nhiều tòa nhà mới xây là casino. Nơi đây hiện có 88 casino, tăng mạnh so với 15 sòng bài vào cuối năm 2015.
Theo báo Campuchia Phnom Penh Post, năm ngoái, nước này cấp phép 52 casino, nâng tổng số sòng bạc trên cả nước lên 150, chủ yếu nhờ sự phất lên của ngành kinh doanh casino ở Sihanoukville.
“Khoảng 90% cơ sở kinh doanh ở Sihanoukville, bao gồm khách sạn, nhà hàng, trung tâm giải trí… hiện do người Trung Quốc sở hữu”, bà Astrid Noren-Nilsson, chuyên gia về Đông Nam Á công tác tại Đại học Lund (Thụy Điển), nói.
Mặt tiền nhiều tòa nhà ở Sihanoukville hiện đầy biển hiệu viết bằng tiếng Trung. Dọc bãi biển, món lẩu Tứ Xuyên đã thay thế các quán bia bình dân mà du khách phương Tây mê mẩn.
Điều này dẫn tới nhiều hậu quả mà người dân địa phương phải gánh chịu. Thu nhập từ các kênh du lịch bình dân truyền thống giảm mạnh buộc họ phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm ở các công trường xây dựng.
Nhà đầu tư Trung Quốc mở nhiều casino ở thành phố Sihanoukville (thuộc tỉnh Sihanoukville) nên người dân địa phương bị thu hồi đất, mất cửa mất nhà.
Bằng cách biến Sihanoukville thành vùng đất hứa casino, Campuchia hy vọng cạnh tranh với các trung tâm bài bạc của châu Á như Macao, Singapore, Manila. Người dân địa phương không được phép đánh bạc từ năm 1996 nên thành phố hy vọng thu hút du khách Trung Quốc – những người không được phép đánh bạc trên đất nước họ.
“Xin giấy phép mở casino ở Campuchia cực kỳ dễ. Chỉ cần chứng minh bạn có mảnh đất và trả phí”, ông Ben Lee, người sáng lập IGamiX, công ty tư vấn về cờ bạc ở Macao, nói.
Đơn vị vận hành casino ở Campuchia không cần kiểm tra danh tính khách hàng hoặc xác minh nguồn gốc nguồn tiền của họ. Thu nhập từ bài bạc không bị đánh thuế dù chính phủ thu phí hằng tháng đối với các casino lớn và áp phí cố định đối với mỗi bàn chia bài hoặc máy đánh bài tại các sòng bài nhỏ, ông Lee nói.
Campuchia có kế hoạch đưa ra luật bài bạc mới vào năm tới, theo đó áp thuế 4-5% với doanh thu casino. Ở Macao, mức thuế này là 38-39%.
Nhóm công tác về tài chính (tổ chức chống tội phạm do các nước G7 thành lập) gần đây đưa Campuchia vào danh sách các nước dễ xảy ra rửa tiền vì thiếu quy định về casino.
Một số siêu casino bắt đầu xuất hiện ở Campuchia. Tổ hợp Wisney World đang xây dựng sẽ bao gồm 3 casino theo chủ đề, một công viên giải trí, một vườn thú hoang dã và một hồ nhân tạo. Tại phía đông của thành phố Sihanoukville, Suncity (một trong những tập đoàn nghỉ dưỡng có casino lớn nhất của Macao) và Jincheng Group (một công ty có mối liên hê với hãng sản xuất máy bay Trung Quốc AVIC) đã bắt đầu xây dựng tổ hợp bài bạc cực lớn mà người dân địa phương gọi là “Chinatown” (Phố Tàu).
Sihanoukville cũng trở thành một trung tâm casino trực tuyến. Trong một cơ sở ở ven đường, một dãy phụ nữ xào bài rồi nhìn chằm chằm vào camera, không thấy người chơi đâu. “Ván bài được truyền hình trực tiếp trên mạng cho người chơi, thường là ở Trung Quốc. Họ đánh bài từ xa”, Jonny Ferrari, một chuyên viên tư vấn bài bạc online người Canada đang sống ở Sihanoukville, giải thích.
Ngành casino trực tuyến được quản lý rất lỏng lẻo. “Tôi thấy các doanh nhân Trung Quốc mua một tòa nhà, xin giấy phép casino, cho nhiều đơn vị vận hành casino trực tuyến thuê. Miễn là họ trả tiền thuê phòng, chủ nhà chả hỏi han gì cả”, ông Ferrari nói.
Sòng bài online được phép hoạt động ở Campuchia, nhưng mọi hành vi đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc đều bị cấm ở Trung Quốc.
Để đối phó lệnh cấm bài bạc và những quy định chặt chẽ về thu đổi ngoại tệ, các đại lý cờ bạc sử dụng ứng dụng WeChat Pay hoặc tiền ảo Bitcoin để gom tiền ở Trung Quốc, còn đại diện ở Campuchia ứng trước tiền mặt. Nhờ hệ thống ngân hàng ngầm này, tiền không cần phải vượt biên giới.
Giả xuất xứ để trốn thuế
Các công ty Trung Quốc bắt đầu bén rễ ở Campuchia vào cuối thập niên 90. Nhưng mối quan tâm của họ tăng vọt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến Vành đai-Con đường (BRI) năm 2013.
Bắc Kinh đầu tư 5,3 tỷ USD vào Campuchia từ năm 2013 tới 2017, Nut Unvoanra, phó tổng thư ký Ban Đầu tư Campuchia, nói với báo Campuchia Phnom Penh Post. “Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, các dự án mới (của Trung Quốc ở Campuchia) đạt 4,8 tỷ USD”, Andrew Davenport công tác ở tổ chức tư vấn RWR nói.
Các nhà sản xuất Trung Quốc kiếm lợi từ giá nhân công rẻ mạt ở Campuchia và sử dụng nơi này làm cơ sở để tránh thuế nhập khẩu cao mà Mỹ đang áp với hàng Trung Quốc.
Ở Sihanoukville, công ty Trung Quốc Jiangsu Taihu Cambodia International Economic Cooperation Investment và một đối tác Campuchia đã thành lập một đặc khu kinh tế ở vùng ngoại ô. Hơn 160 doanh nghiệp Trung Quốc, chủ yếu là dệt may, đồ da và đồ gỗ đã hoạt động trong khu này.
Hồi tháng 6, Mỹ phạt một số công ty vì đã trốn thuế Mỹ bằng cách dán nhãn hàng hóa của họ là sản phẩm Campuchia dù chúng được sản xuất ở Trung Quốc, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ Arend Zwartjes nói với Reuters.
“Bắc Kinh cũng muốn tạo ra các thị trường mới cho các doanh nghiệp hạ tầng của họ ở nước ngoài”, bà Agatha Kratz, phó giám đốc Rhodium Group chuyên nghiên cứu về đầu tư BRI, nói.
Cung vượt cầu của Trung Quốc có nghĩa rằng, nước này cần xuất khẩu một số sắt thép, xi măng bằng cách xây đường bộ, sân bay, đường sắt, bà Kratz giải thích. Ví dụ, doanh nghiệp nhà nước China Communications Construction của Trung Quốc đang xây dựng đường cao tốc 4 làn trị giá 2 tỷ USD nối Sihanoukville với Phnom Penh, giảm thời gian đi lại từ 6 xuống còn 2 giờ.
Nhiều công nhân trên các công trường xây dựng là người Trung Quốc. Những công việc còn lại mà người dân Campuchia đảm nhận thuộc dạng khó khăn, nguy hiểm.
Nhiều dự án vay vốn Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2018, Campuchia vay 4,6 tỷ USD từ Trung Quốc, theo báo cáo chính thức về nợ công của Campuchia.
Ngoài yếu tố kinh tế, đầu tư Trung Quốc ở Campuchia còn có ý nghĩa địa-chiến lược. Davenport nhận định: “Campuchia đã trở thành đồng minh chính của Trung Quốc ở Đông Nam Á”.
Du khách “không đồng”
Với nhiều khách sạn và casino mới, Sihanoukville nhằm thu hút khách Trung Quốc là chủ yếu, đặc biệt là giới trung lưu mới. Sân bay thành phố có hàng chục chuyến bay tới các thành phố ở Trung Quốc. Năm ngoái, 2 trong tổng số 6,2 triệu du khách tới Campuchia là người Trung Quốc.
Nhiều du khách Trung Quốc đi nước ngoài lần đầu tiên. Thông thường, họ thích ở trong khách sạn và ăn trong nhà hàng của người Trung Quốc đầu tư hoặc làm việc. Một số được đưa thẳng từ sân bay tới casino và ở đó cả tuần đánh bạc rồi bay về Trung Quốc.
Người dân Campuchia gọi những du khách Trung Quốc như vậy là du khách ”không đồng” vì họ không tiêu một xu nào ở Campuchia. Họ đến theo tour trọn gói, cả chuyến đi đã được trả tiền trước khi họ rời Trung Quốc.
Vì lý do đó, nhiều cư dân Sihanoukville sống nhờ du lịch nói rằng, doanh thu của họ biến mất nhanh chóng. Dãy quán ăn, nhà hàng, nhà gỗ cho thuê ở bãi biển Otres (từng là điểm du lịch hút khách) bị bỏ không, đóng cửa đã chứng minh lời nói của cư dân Sihanoukville.
“Tôi vẫn kiếm được ít khách địa phương nhưng khách du lịch Trung Quốc không đến đây và du khách phương Tây bỏ đi. Tôi thích khách Tây vì họ đến đây để vui vẻ, không chỉ có đánh bài như khách Trung Quốc”, Keo Puth Vireak, chủ một gian hàng trên bãi biển, nói.
Phía sau bãi biển là con phố từng đông nghẹt quán bar và đại lý du lịch, nhưng nay treo biển rao bán. “Công nhân Trung Quốc đến đây, hút cạn nước hồ, chặt hạ mọi cây cối”, Sina, con rể của chủ khu nghỉ dưỡng Sok Sabay Resort, than phiền.
Công việc nguy hiểm
Những công việc dành cho người bản xứ phần lớn khó khăn và nguy hiểm, một cán bộ công đoàn tên Athit Kong nói. “Trên công trường xây dựng, công nhân Trung Quốc chiếm hết những việc ‘ngon’. Người Campuchia được thuê làm những công việc tầm thường, nguy hiểm”, ông Kong cho biết.
Ở Sihanoukville, nhiều lao động địa phương đi giầy thể thao và làm việc mà không có mũ bảo hộ. Họ cuốn áo phông quanh miệng để ngăn bụi. “Chúng tôi có luật nghiêm ngặt liên quan an toàn lao động nhưng hiếm khi được thực thi ở đây”, ông Kong nói.
Công nhân thường ăn ngủ tại lán trại ngay tại công trường, đối mặt rủi ro bất kỳ lúc nào. Hồi tháng 6, Kreal Oeun và chồng cô tên Nhov Channeth đang ngủ thì tòa nhà Sihanoukville đổ sập khiến 28 người thiệt mạng. Hai vợ chồng mắc kẹt trong đống đổ nát 12 giờ. “Trời nóng kinh khủng, chúng tôi không có gì để uống. Để sống sót, chúng tôi phải liếm hơi nước đọng trên tường”, anh Channeth kể. Anh nói rằng, em trai 18 tuổi của mình chuẩn bị cưới vợ trong năm nay đã thiệt mạng trong vụ sập nhà.
Họ sống cùng các công nhân khác trong những lán trại tạm bợ dựng trên tầng hai của tòa nhà khách sạn-căn hộ đang xây dở. Nhà thầu không có giấy phép xây dựng, người phát ngôn của Bộ Quản lý đất đai, quy hoạch đô thị và xây dựng Campuchia nới với hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua.
Hiện nay, chân Oeun vẫn phải bó bột, bàn chân người phụ nữ 28 tuổi này đã bắt đầu hoại tử thâm đen. “Chúng tôi không có đủ tiền để trả viện phí nên bác sĩ chỉ cho vài viên thuốc”, anh Channeth nói. Hai tay người đàn ông 30 tuổi này chi chít vết sẹo có từ lần sập nhà.
Vợ chồng Oeun-Channeth rời Phnom Penh tới Sihanoukville làm việc được hai tháng thì tai nạn xảy ra. “Chúng tôi nợ nần và cần tiền để cho con đi học”, anh Channeth nói. Vợ chồng anh kể chủ thầu Trung Quốc trả họ 15 USD mỗi ngày – cao hơn 50% số tiền họ kiếm được ở quê nhà.
Làm công nhân xây dựng vất vả nhưng làm nhân viên trong casino cũng không dễ chịu hơn. “Tôi đã thấy các cô bé 13 tuổi bỏ học để làm nhân viên chia bài. Các em làm theo ca 12 tiếng và thường xuyên bị khách hàng quấy rối”, bà Maggie Eno (người sống ở Sihanoukville từ năm 2003 và thành lập một tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ trẻ em) kể.
Ngay sau vụ sập nhà khiến vợ chồng Oeun-Channeth bị thương, 28 người chết, bảy doanh nhân, gồm 5 người Trung Quốc, bị truy tố tội ngộ sát, Reuters đưa tin. Bốn người đã bị bắt, ba người bỏ trốn. Tỉnh trưởng Yun Min đã từ chức vì vụ sập nhà. Tính đến tháng 10 này, vụ việc vẫn đang được điều tra, bốn người đàn ông vẫn bị tạm giam, Lim Bun Heng, người phát ngôn tòa án tỉnh Sihanoukville, nói với CNN.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận rằng, ít nhất một công dân Trung Quốc liên quan vụ việc. “Anh này đang bị cảnh sát Campuchia giám sát… Trung Quốc hy vọng cơ quan chức năng Campuchia sẽ xử lý những người vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN.
Đời cơ cực
Khi tiền Trung Quốc đổ vào, cơ sở hạ tầng Sihanoukville vật lộn đối phó mức độ phát triển. “Thường xuyên mất điện, mất nước”, bà Eno nói và tổ chức phi chính phủ của bà thấy số bệnh nhân sốt xuất huyết và thương hàn gia tăng vì hệ thống thoát nước kém.
Rác nhựa, ni-lông đầy bãi biển. Các con suối với nước màu nâu bốc mùi chảy thẳng ra biển. Tổ chức phi chính phủ địa phương có tên Mother Nature Cambodia (Mẹ Thiên nhiên Campuchia) đã xét nghiệm một số mẫu nước lấy hồi tháng 10/2018 và phát hiện ra rằng, chúng chứa E. coli và Trichomonas intestinalis – loại vi khuẩn có trong nước thải chưa được xử lý.
Nhưng sự khó khăn, vất vả lớn nhất đối với nhiều người dân địa phương là họ không đủ tiền sống trong chính thành phố của mình. Trước thuê một căn hộ hai phòng ngủ chỉ tốn 300 USD/tháng, nhưng nay tăng gấp 10 lần lên 3.000 USD vì nhu cầu thuê của người Trung Quốc tăng vọt.
Trong một khoảnh đất có chiều rộng 10 mét nằm giữa một con đường đông người qua lại và một hàng rào, khoảng 100 gia đình sống chen chúc dưới các mái tôn cong vẹo và trên nền nhà bụi đất. “Chúng tôi ở đây đã được 13 năm”, một cư dân 66 tuổi tên Boeun Korng kể. “Đời cơ cực. Cả cộng đồng phải trông chờ vào một giếng nước duy nhất. Khu chúng tôi không có điện”, bà Korng nói.
Bị đuổi khỏi cánh đồng lúa của mình năm 2007, vợ chồng bà Korrng và con trai 46 tuổi nói rằng, họ sẽ sớm phải chuyển chỗ ở lần nữa để người ta lấy chỗ xây đường cao tốc nối Sihanoukville và Phnom Penh, sử dụng vốn vay Trung Quốc. “Chúng tôi được mời tới tái định cư trên lô đất 5 x 20 mét ở một khu vực biệt lập không có cơ sở hạ tầng. Chúng tôi không bao giờ đi. Chúng tôi thà chết ở đây”, bà Korng nói.
Hồi tháng 1, cảnh sát Sihanoukville nổ súng vào các nông dân địa phương vì họ đốt lốp xe, dựng chướng ngại vật để chống thu hồi đất làm dự án.
Để làm dịu cơn giận dữ của người dân, chính quyền Campuchia đã bắt đầu xử lý những trường hợp vi phạm.
Tính từ đầu năm nay, phía Campuchia đã dẫn độ 91 người Trung Quốc vận hành casino trực tuyến về Trung Quốc. Những người này bị cáo buộc thiết lập các website đánh bạc online với sự tham gia trái phép của các con bạc ở Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 8, có 335 nghi phạm bị bắt trong một chiến dịch phối hợp giữa Phnom Penh và Beijing nhằm chống lừa đảo bài bạc trực tuyến, Xinhua đưa tin.
Hồi tháng 8, Campuchia thông báo sẽ lập tức dừng cấp phép cho các cơ sở bài bạc trực tuyến và không gia hạn giấy phép cho các cơ sở hết hạn vào cuối năm nay, Xinhua đưa tin. Thông tin này chỉ tác động các sòng bài online.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN: “Cờ bạc online giống như u ác. Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Campuchia để áp dụng các biện pháp thực tế, tăng cường thực thi pháp luật và loại bỏ bài bạc trực tuyến”.
Nhưng dường như đã quá muộn, “người dân tức giận…, tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng”, bà Eno nói.