Bóng hồng ba đảm

Thiếu tá Đỗ Thị Ngọc Diệp (ngoài cùng bên phải) tham gia chương trình giao lưu “Tiếp nối truyền thống 3 đảm đang”.
Thiếu tá Đỗ Thị Ngọc Diệp (ngoài cùng bên phải) tham gia chương trình giao lưu “Tiếp nối truyền thống 3 đảm đang”.
TP - 23 năm gắn bó với Báo - Truyền hình Quân khu 5, thiếu tá, nhà báo Đỗ Thị Ngọc Diệp luôn giữ trong mình lửa nghề của một “phóng viên chiến trường” và là một trong những nữ quân nhân tiêu biểu  toàn quân.

Năm 1993, sau ngày tốt nghiệp đại học, cô sinh viên khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Huế, Ngọc Diệp về làm phóng viên Báo - Truyền hình Quân khu 5. Từ những ngày đầu làm báo, với  tư duy nhạy bén trong các đề tài về người lính và tinh thần xông xáo bám sát đời sống chiến sĩ, chị cho thấy mình đã chọn đúng nghề.

Nặng tình đồng đội

Cẩn trọng, nghiêm túc với nghề, từ năm 2006, chị được tổng biên tập giao nhiệm vụ tuyên truyền về diễn tập khu vực phòng thủ, các hội thi, hội thao quy mô lớn, công tác cứu hộ - cứu nạn, phòng chống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, viết lời bình cho các phim truyền thống, phóng sự tài liệu về các hoạt động trọng điểm của lực lượng vũ trang Quân khu. Các tác phẩm của chị không chỉ khắc họa hình ảnh người lính trong chiến hào, bên cây súng mà cả nghị lực của các chiến sỹ trước những khó khăn thử thách,  tình cảm với quê hương, đồng đội, gia đình...

23 năm qua, với hàng loạt tác phẩm báo chí thuộc các thể loại báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử được đăng tải ở T.Ư và địa phương, chị đã để lại nhiều ấn tượng, tình cảm sâu đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ và người dân mảnh đất Khu 5 giàu truyền thống. Năm 2013, chị đoạt giải Nhì cuộc thi báo chí “Ký ức chiến tranh và cuộc sống thời bình” do báo Cựu Chiến binh và báo Quân khu 7 tổ chức, tham gia cùng đơn vị làm phóng sự “Chị Thanh Tâm của chiến sĩ” đoạt Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quân. Năm 2014, chị giành giải Khuyến khích cuộc thi báo viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2009-2014) của Bộ Quốc phòng.

Nói về giải thưởng báo chí “Ký ức chiến tranh và cuộc sống thời bình”, chị kể: Tôi may mắn được tham gia hành trình đầy xúc động “Trả lại tên cho anh” cùng những cựu chiến binh Lữ Tăng - Thiết giáp 574 đi tìm liệt sĩ pháo thủ Đào Văn Minh, thuộc kíp xe thiết giáp K63 - huyền thoại trong chiến dịch giải phóng Tam Kỳ (tháng 3/1975). Sau 37 năm, hài cốt trong ngôi mộ liệt sĩ vô danh tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Xuân (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được xác định là liệt sĩ Đào Văn Minh. “Chứng kiến những vất vả của đồng đội, người thân khi tìm kiếm liệt sĩ Minh, giây phút chị gái liệt sĩ Minh xúc động khi tìm lại được hài cốt em mình: “Tôi lặng người đi trước những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước”, chị Diệp nói.

Giỏi việc hội, đảm việc nhà

Không chỉ làm báo giỏi, thiếu tá Đỗ Thị Ngọc Diệp còn là chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Cục Chính trị Quân khu 5 với gần 100 hội viên. Nhiều năm qua, chị cùng Ban chấp hành Hội luôn nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động phụ nữ, từ đó giúp các chi hội, từng hội viên xác định các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện, đăng ký giao ước
thi đua.

Chị còn đầu tư thời gian viết kịch bản, trực tiếp dẫn chương trình các buổi sinh hoạt tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề về thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, đề xuất phương án phối hợp với Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên Cục tổ chức giao lưu “Theo chân Bác”, “Người là niềm tin tất thắng”, viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà đối tượng chính sách trên địa bàn đóng quân. Chị đã tổ chức ra mắt câu lạc bộ “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” của phụ nữ Cục Chính trị. Chị rất tâm huyết với các hoạt động hướng về biển đảo, phối hợp với đơn vị kết nghĩa tổ chức thăm, tặng quà, giao lưu văn nghệ tại các đơn vị hải quân, cảnh sát biển trực chiến nơi đầu sóng ngọn gió.

Công việc bận rộn khi thường xuyên phải công tác xa, dài ngày trên nhiều địa bàn trong và ngoài Quân khu (Quân khu 5 phụ trách địa bàn 11 tỉnh, thành phố) nhưng chị vẫn chăm lo vẹn tròn gia đình nhỏ. Chồng chị - người bạn học thời đại học, nay đang là giảng viên Học viện Chính trị khu vực 3 cũng thường xuyên phải đi công tác xa nhưng hai người luôn chia sẻ, động viên lẫn nhau. Thấu hiểu những vất vả của ba mẹ, cậu con trai lớn đang là sinh viên năm 2 Đại học Quy Nhơn và cô con gái út học lớp 4 rất chăm ngoan và ham học. “Chồng và các con luôn là nguồn động viên, là điểm tựa để tôi hoàn thành tốt các vai trò làm báo, làm cán bộ hội, làm vợ và làm mẹ”, chị Diệp nói.

Giai đoạn 2011-2015, thiếu tá Đỗ Thị Ngọc Diệp luôn giữ vững các danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng nhiều bằng khen về thành tích xuất sắc trên nhiều mặt công tác. Tới đây, chị là một trong những đại biểu ưu tú về Hà Nội dự Đại hội đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ VI (2016-2021).

MỚI - NÓNG