Bóng đá Việt Nam: “Tiên học lễ, hậu học văn”

Bóng đá Việt Nam: “Tiên học lễ, hậu học văn”
TPCN - Từ sự trượt dốc của hàng loạt “sao” bóng đá bị bóc trần bộ mặt thật méo mó, người ta đưa ra hàng loạt nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam lún vào cơn khủng hoảng vô tiền khoáng hậu.

Khi nhắc đến 5 việc cần làm ngay để làm trong sạch nền bóng đá Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái đã đưa ra một quyết định khẩn: Tiến hành điều tra thực trạng về trình độ văn hóa và đạo đức của cầu thủ từ các tuyến U trở lên!

Thực ra, cái mầm bệnh từ sự yếu kém về văn hóa, đạo đức của cầu thủ đã được người ta chỉ ra từ cách đây rất lâu, khi mà bóng đá VN bắt đầu xuất hiện những “trò xiếc” trên sân.

Người ta nói nhiều, nói mãi mỗi khi một “sao” bóng đá nào đó gặp sự cố, nhưng cũng lập tức... quên luôn khi chính ngôi sao ấy phát sáng trên sân cỏ.

Cái sự dễ dãi từ HLV, quản lý và cả giới truyền thông đã vô tình đẩy các “sao” sân cỏ vào cơn bạo bệnh: dần sa ngã rồi lao xuống vực thẳm, nhắm mắt “bán mình cho quỷ”.

Có thể lấy trường hợp của Văn Quyến làm ví dụ. Trước lúc nhập trại T16, Văn Quyến có viết một lá đơn được gọi là “bức thư ngỏ xin lỗi người hâm mộ”.

Đọc “lá thư” ấy, người ta như bị xát thêm muối vào lòng bởi tuy Quyến đã tuôn trào ra những từ ngữ đậm nước, nhưng nó không giấu đi được cái lủng củng, ngô nghê.

“Bức thư” chất chứa sự ân hận. Và càng ân hận hơn bởi trước đây, dù biết hoàn cảnh éo le của Quyến, biết cái sự khó khăn của một cậu bé có xuất phát điểm là anh chăn trâu quê mùa nhưng phải nhập cuộc quá nhanh với hào quang của ngôi sao, nổi tiếng và tiền bạc vây quanh, nhưng lại không có cách giáo dục thích hợp.

Chuỗi trượt dốc của Quyến từ một ngôi sao rớt xuống thành tội phạm trong vụ án mà luật hình sự thì ở mức độ tương đối, nhưng “luật đời” và miệng lưỡi thế gian thì quá nặng.

Nếu Quyến được giáo dục, được chăm sóc cẩn thận, liệu sự quyến rũ nhất thời của đồng tiền có đánh gục được Quyến?

Cái sự lãng quên việc bồi đắp cho những “ngôi sao” một “phông văn hóa” giờ đã được người ta chỉ ra.

Thậm chí, thay vì chỉ nhìn qua những nhận xét, những lời cay đắng muộn mằn của những người thày khi chứng kiến học trò vướng phải vòng tội lỗi, người ta đã đòi hỏi cần phải có một sự định lượng rõ ràng.

Kết quả của một cuộc điều tra ít nhiều sẽ là cái nền để người ta đưa ra những biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

“Tiên học lễ, hậu học văn”. Giới thể thao, nhất là giới bóng đá, lâu nay mải mê với sự tỏa sáng trên sân cỏ mà buông lỏng việc giáo dục bên ngoài sân bóng.

Nhớ và đặt câu nói ấy lên hàng đầu lúc này là khẩu hiệu của những người làm thể thao. Có điều, hiệu quả phải được thực tế chứng minh chứ không phải chỉ qua những lời nói suông!

MỚI - NÓNG