> 'Chết cứng' 1 triệu tỷ đồng BĐS
Như vậy nơi chôn tiền lớn nhất chính là bất động sản, đây cũng chính là nguyên nhân gây nợ xấu lớn nhất cho nền kinh tế hiện nay.
Một thống kê cho hay, hiện có khoảng 70.000 căn hộ đã hoàn thiện bị tồn đọng tại Hà Nội và TPHCM, mỗi nơi 35.000 căn. Chỉ riêng “nghĩa địa” này thôi đã “chôn vùi” khoảng 140.000 tỷ đồng.
Nếu tính cả những chung cư, biệt thự, khu đô thị mới đang dang dở, bỏ hoang cho bò gặm cỏ thì số tiền bị chôn trong các “thành phố ma” sẽ lớn biết chừng nào.
Nghịch lý thật chua xót ! Giữa lúc đại bộ phận dân chúng đô thị đang phải sống chen chúc, chật chội trong các ngõ hẻm sâu hun hút hay khu tập thể sập xệ, thì hàng trăm ngàn căn hộ rộng rãi, hiện đại, hàng ngàn ngôi biệt thự hoành tráng lại bị bỏ hoang.
Giữa lúc Hà Nội thiếu đất, thiếu tiền để xây trường học, bệnh viện hay ký túc xá thì ngót nửa triệu m2 đất “vàng” của hàng chục dự án lại để không, hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng đang nằm chết trong các “thành phố ma”.
Tiền của nhà băng, hay thực chất là của hàng triệu người gửi tiết kiệm - một nguồn lực khổng lồ của xã hội - đang bị lãng phí một cách ghê gớm.
“Cục máu đông” nợ xấu đang ảnh hưởng lớn đến “huyết mạch” lưu thông tiền tệ của nền kinh tế. Hậu quả của lối đầu tư theo phong trào, của bong bóng bất động sản đã hiện hình.
Tồn kho bất động sản không những chôn vùi cả chục tỷ USD mà còn kéo theo sự tồn kho của một loạt các mặt hàng liên quan như sắt, thép, xi măng, đồ nội thất... Hàng chục ngàn doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản, giải thể, kéo theo khoảng 400.000 người bị mất việc.
Những giải pháp, chính sách tháo gỡ đồng bộ, kịp thời của nhà nước trong tình thế này là hết sức cần thiết.
Thị trường bất động sản cũng khó ấm trở lại nếu không có sự cộng đồng trách nhiệm của các bộ ngành liên quan, của ngân hàng và các doanh nghiệp.
Bong bóng xì hơi? Đây cũng chính là cơ hội để kéo bất động sản về đúng giá trị thực của nó.