Bốn nước châu Âu trục xuất tổng cộng hơn 70 nhân viên ngoại giao Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ý, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha ngày 5/4 đã quyết định trục xuất tổng cộng 73 nhà ngoại giao Nga trong bối cảnh Mátxcơva vẫn đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo RT, Bộ trưởng Ngoại giao của 4 quốc gia này thông báo về quyết định của họ vào thứ Ba, ngày 5/4.

Trong đó, Đan Mạch sẽ trục xuất 15 nhân viên ngoại giao đang làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Copenhagen. Đan Mạch cáo buộc những người này “lợi dụng tư cách ngoại giao như một vỏ bọc để thu thập thông tin tình báo cho Mátxcơva”. Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod tuyên bố các cá nhân liên quan có 2 tuần để rời khỏi nước này.

“Quyết định trục xuất là lời cảnh báo đến Mátxcơva rằng chúng tôi không chấp nhận việc nhân viên tình báo Nga hoạt động trên lãnh thổ Đan Mạch”, Bộ trưởng Kofod nói. “Họ tạo ra mối nguy cơ đối với an ninh quốc gia mà chúng tôi không thể cho qua".

Dù tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga, nhưng Bộ Ngoại giao Đan Mạch tuyên bố nước này vẫn muốn duy trì quan hệ ngoại giao với Mátxcơva bằng cách sử dụng Đại sứ quán ở Copenhagen như một kênh liên lạc chính. Đó là lý do vì sao Đại sứ Nga và các nhân viên khác vẫn được phép ở lại Đan Mạch.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio thông báo nước này quyết định trục xuất 30 nhà ngoại giao Nga, với lý do “lo ngại về an ninh”.

Tại Thụy Điển, 3 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất vì “công việc không phù hợp với Công ước Vienna”, theo Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde.

Tại Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Jose Manuel Albares cho biết nước này sẽ trục xuất khoảng 25 nhà ngoại giao và nhân viên Đại sứ quán Nga ở Madrid.

Ngoại trưởng Albares nhận định chính phủ Nga có thể sẽ ra quyết định trục xuất tương tự nhằm vào các nhân viên ngoại giao Tây Ban Nha để đáp trả. Tuy nhiên, ông cho biết Tây Ban Nha sẽ không trục xuất đại sứ Nga vì Madrid muốn giữ đại sứ của mình ở Mátxcơva, và để ngỏ kênh ngoại giao cho các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Jonas Store cho biết chính phủ của ông đang xem xét các động thái tương tự, nhưng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Trước đó một ngày, Đức tuyên bố sẽ trục xuất 40 nhà ngoại giao Nga, còn Pháp thông báo sẽ trục xuất “khoảng 30 người”.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt đến nay, hơn 200 nhà ngoại giao Nga làm việc ở Mỹ và châu Âu đã được đưa về nước. Tính riêng trong 2 ngày 4 và 5/4, số nhân viên ngoại giao Nga bị các nước châu Âu trục xuất đã lên đến hơn 140 người.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Mátxcơva chắc chắn sẽ có những động thái tương tự để đáp trả.

Trước đó cùng ngày, Lithuania đã yêu cầu Đại sứ Nga rời khỏi nước này, đồng thời triệu hồi đại diện ngoại giao Lithuania từ Mátxcơva.

Với quyết định này, Lithuania đã trở thành quốc gia đầu tiên thuộc Liên minh châu Âu (EU) trục xuất Đại sứ Nga sau khi Mátxcơva khai màn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Chính phủ Lithuania cũng quyết định đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Klaipeda.

Theo RT, Reuters
MỚI - NÓNG