Bốn ngày nữa đến Chủ Nhật Đỏ: Quản lý máu hiến thế nào?

Bốn ngày nữa đến Chủ Nhật Đỏ: Quản lý máu hiến thế nào?
TP - GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, khẳng định: Quy trình từ hiến máu nhân đạo đến sử dụng máu trong điều trị bệnh là hoàn toàn minh bạch, được giám sát bởi một bên thứ ba, và không có chuyện thất thoát máu. Vì thế, người hiến máu nhân đạo có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện nghĩa cử cao đẹp này.

> Ngày Chủ nhật đỏ: Đắp bồi lòng nhân ái
> "Tất cả những người hiến máu đều là anh hùng"

Thưa ông, không ít người băn khoăn hiến máu nhân đạo là hoạt động tình nguyện nhưng người sử dụng máu từ nguồn hiến máu nhân đạo lại phải trả tiền?

Chúng ta phải hiểu thế này, máu từ người hiến máu mới chỉ là nguyên liệu ban đầu. Từ nguyên liệu ấy, phải qua một quy trình xử lý phức tạp và tốn kém để tạo ra đơn vị máu trong sử dụng điều trị bệnh.

Các chuyên gia nước ngoài ước tính, chi phí bình quân cho mỗi đơn vị máu thành phẩm dung tích 250 ml là 100-200 USD. Tại Viện HHTMT.Ư, chúng tôi đã giảm chi phí đó xuống mức 100 USD/đơn vị máu, tức không dưới hai triệu VND.

Trong khi đó, trên thực tế, người sử dụng ở VN chỉ phải trả 447.000 đồng. Như vậy, nhà nước phải bù lỗ 1,6 triệu đồng cho mỗi đơn vị máu thành phẩm.

Vậy ở các quốc gia trên thế giới thì sao?

Ở trên thế giới có hai dạng. Một là phải trả đúng, trả đủ, tức là người sử dụng phải trả đúng toàn bộ chi phí để có một đơn vị máu. Ví dụ như Mỹ, người dùng phải trả từ 400 - 460 USD/đơn vị máu.

Trong khi đó nguồn máu hoàn toàn là từ tình nguyện. Ở nhiều quốc gia khác, chi phí sử dụng máu do ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xác nhận đây là một hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận.

Tại Ngày Chủ Nhật Đỏ năm 2012
Tại Ngày Chủ Nhật Đỏ năm 2012.

Liệu có hay không sự thất thoát máu thu được?

Hoàn toàn không có chuyện đó. Việc quản lý máu từ khi thu về đến khi sử dụng được quản lý theo một quy trình quản lý hết sức chặt chẽ về chuyên môn, về sổ sách tài chính và thường xuyên được giám sát bởi kiểm toán nhà nước.

Thêm vào đó, máu là một dạng vật chất đặc biệt, đòi hỏi một quá trình bảo quản, sử dụng hết sức đặc biệt. Không ai có thể bỏ túi một đơn vị máu mang về, vì như thế không ai dám sử dụng.

Người hiến máu nhân đạo hoàn toàn có thể yên tâm. Với quy trình quản lý minh bạch hiện nay, máu sẽ được trao lại cho bệnh nhân, cho hàng vạn người đang chờ máu.

Cảm ơn ông!

Tết lại lo thiếu máu

Năm 2012, cả nước tiếp nhận 900.000 đơn vị máu trên 87 triệu dân (tương đương 1,03% dân số). Con số trên là thành quả vượt bậc song mới đáp ứng được 50% nhu cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi quốc gia phải có tối thiểu 2% dân số tham gia hiến máu, theo đó, mỗi năm VN cần tối thiểu 1,75 triệu đơn vị máu.

Tình trạng thiếu máu ở VN đặc biệt diễn ra vào dịp cận Tết. Hiện nay, mỗi ngày Viện HHTMT.Ư cần 1.200 - 1.500 đơn vị máu. Tuy nhiên, Viện chỉ tiếp nhận được 300 - 400 đơn vị/ngày. Có ngày chỉ được vài chục đơn vị máu.

 

Nguyễn Hoài

Bốn ngày nữa đến Chủ Nhật Đỏ: Quản lý máu hiến thế nào? ảnh 2
 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.