Vẫn còn khoảng 19% diện tích lãnh thổ bị ô nhiễm bom mìn tồn sót sau chiến tranh. Ảnh: BCĐ 701. |
Bộ LĐ-TB&XH cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu hécta, chiếm 18,8% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại tất cả tỉnh thành, đặc biệt các tỉnh miền Trung.
Theo Bộ Tư lệnh Công binh, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15,3 triệu tấn, tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%). Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều có thể nổ bất kể khi nào.
Số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy, trong vòng 10 năm (1961 – 1971), quân đội Mỹ và đồng minh đã tổ chức 20.000 phi vụ rải chất độc hoá học xuống Việt Nam (từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào). Tổng số lượng khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học, trong đó có 46 triệu lít chất da cam gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, lâu dài và khó khắc phục cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Trên 2,6 triệu ha đất đai của Việt Nam với trên 25.000 làng, bản và hơn 1,6 triệu người sinh sống đã bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau bởi chất độc dioxin.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Chỉ riêng các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi, đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, thực trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, tai nạn do bom mìn vẫn liên tục xảy ra. Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn bao gồm rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn. Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hoà nhập cộng đồng do Bộ LĐ-TB&XH triển khai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.
Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để tiếp tục học tập, lao động. Những dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bom mìn như: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, chính sách phúc lợi xã hội…
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, thời gian qua đã xử lý thành công khu đất nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng; cô lập khu đất nhiễm dioxin ở sân bay Phù Cát (Bình Định); bắt đầu xử lý đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay ASo (Huế).
Đến nay, đã xử lý khoảng 260 tấn chất độc CS, hơn 182 tấn đạn chứa chất độc CS, 15 tấn chất độc các loại, 443m3 đất chứa chất độc CS trong diện tích 6.150m2; khoanh vùng chống lan tỏa cho 18 điểm. Các bộ ngành, địa phương đã tổ chức bảo đảm nguồn vốn, vận động tài trợ quốc tế để triển khai khắc phục hậu quả bom mìn.
Giai đoạn 2010-2020, tổng diện tích khảo sát và rà phá bom mìn hơn 485.000ha, tổng kinh phí trên 12.614 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đã bố trí khoảng 10.417 tỷ đồng, nguồn viện trợ không hoàn lại khoảng 2.197 tỷ đồng.