Bới tìm dấu xưa dưới nền Hải Vân quan

Dấu vết con đường thiên lý dẫn lên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đang dần lộ ra. Ảnh: Nguyễn Thành.
Dấu vết con đường thiên lý dẫn lên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đang dần lộ ra. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Đúng 1 năm sau cái “bắt tay lịch sử” giữa ông Huỳnh Văn Hùng (Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng) và người đồng cấp phía TT- Huế ông Phan Tiến Dũng ngay đỉnh đèo Hải Vân, quay lại “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” khi những nền móng cổ và con đường thiên lý của cha ông năm xưa đã dần phát lộ. Rồi đây, Hải Vân quan sẽ hồi sinh như ước mơ của bao người tâm huyết với di tích đặc biệt này.

Tìm vết xưa

Hải Vân quan đi vào sử sách, lưu dấu bao thăng trầm thời cuộc, của hành trình mở cõi về phương Nam, nhưng đến năm 2017 mới được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Mấy chục năm qua Hải Vân quan trơ gan cùng tuế nguyệt, hoang phế với thời gian cũng chỉ vì lòng người chưa thuận. Nhưng từ sau cái bắt tay được xem là lịch sử của lãnh đạo Đà Nẵng và TT- Huế, Hải Vân quan nay đang dần đổi thay.

Đầu hè, nắng chói chang nhưng dòng người vẫn kéo lên Hải Vân quan để tham quan, ngắm cảnh, chụp hình. Xem lại bức hình chụp đúng 1 năm, quang cảnh Hải Vân quan phong quang hơn nhiều. Đó là tín hiệu vui cho Hải Vân quan thoát cảnh “làm dâu 2 họ”, sau bao năm hoang phế, ngổn ngang.

Bới tìm dấu xưa dưới nền Hải Vân quan ảnh 1 Tỉ mỉ khảo cổ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo quyết định khai quật khảo cổ học của Bộ VHTT&DL, diện tích 600m2 xung quanh di tích Hải Vân quan sẽ được khai quật từ 5/5 đến ngày 3/9 để tiến hành khảo cổ, làm cơ sở cho việc trùng tu cụm di tích quan trọng này. Hôm tôi lên, công việc khảo cổ đã được hơn 10 ngày. Phần diện tích của cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” được căng bạt, vây kín. Nhiều du khách, trong đó có cả du khách nước ngoài tò mò xin phép vào tận nơi để được tỏ tường.

Nền móng cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” phía Huế bấy lâu nay là nơi bao người đi qua, đứng ngắm nay được khai quật, đào sâu quá đầu người. Nhìn cảnh hố sâu được khai quật, lộ ra những vết tích cổ xưa nhiều người ngỡ ngàng: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đâu chỉ có phần nổi hiện hữu hoang tàn, mà còn chìm sâu dưới đất là cả một kết cấu với những bí mật chờ giải mã.

Chuyên gia khảo cổ Hoàng Văn Thưởng (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) và nhóm thợ 15 người  đang cẩn thận, tỉ mỉ với công việc của mình. Hơn 30 năm gắn bó với nghề nhưng với ông Thưởng, Hải Vân quan là công trình có ý nghĩa trong đời bởi giá trị lịch sử đặc biệt của công trình này.

Ông Thưởng cho biết: Đào sâu gần 2m đã phát lộ phần nền móng của công trình. Quá trình khai quật, phát hiện nhiều dấu vết chưa thể giải thích được. Quá trình khảo cổ cũng đang dân lộ ra con đường thiên lý ngày xa xưa cha ông Nam tiến mở cõi, trấn giữ biên thùy. Đây chính là điều nhiều người đang tò mò muốn biết con đường thiên lý sẽ đi về hướng nào. “Khoảng 20 ngày nữa thôi, chúng ta sẽ biết rõ hướng đi của con đường thiên lý năm xưa cha ông đã qua. Từng đó thôi cũng đủ nâng thêm ý nghĩa cho di tích Hải Vân quan”, ông Thưởng cho hay.

Dẫn chúng tôi xuống tận hố khai quật, ông Thưởng giới thiệu về nền móng, kết cấu xây dựng của công trình. Toàn bộ phần di tích phía Huế bị một lớp đất dày vùi lấp qua nhiều đời. Quá trình khảo cổ, đã phát hiện một số vết tích muộn hơn chồng lên vết tích giai đoạn vua Minh Mạng. Ban đầu có thể nhận định công trình này từ thời xưa đã nhiều lần trùng tu sửa chữa.

“Nhiều dấu vết, vết tích còn bí ẩn chờ được giải mật”, ông Thưởng vừa nói vừa chỉ tay về dãy đá thẳng hàng ngay nền móng cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Dãy đá này ông Thưởng cho hay, rất khác thường so với kết cấu của nền móng công trình này, lý do vì sao lại có dãy đá đó đang là ẩn số. Hay như lớp phù sa nằm ở độ sâu 2 mét  được đưa từ nơi khác đến, không phải đất cát của vùng đồi núi này cũng đang cần tìm lời giải thích?

“Ở một vùng núi cao sừng sững, với hai bàn tay, ông cha ta ngày xưa đã làm được một công trình kiên cố đó là một kỳ tích, rất tự hào. Phát lộ những dấu tích, anh em chúng tôi rất xúc động. Thực sự nếu không đào xuống công trình sẽ mất đi những vẻ đẹp, ý nghĩa lịch sử đặc biệt của công trình. Ký ức đang bị vùi lấp một phần”. Điều ít ai biết, đường phân định ranh giới giữa Đà Nẵng và TT - Huế đi qua ngay nền móng đang khai quật này. Và câu chuyện mấy chục năm qua Hải Vân quan rơi vào cảnh hoang tàn, “cha chung không ai khóc” cũng từ đường ranh giới này mà ra.

 “Góp gạo thổi cơm chung”

Là người nhiều năm tâm huyết với di tích Hải Vân quan, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng, vui mừng vì Hải Vân quan đang được sự quan tâm đúng mực của chính quyền hai địa phương để cứu lấy công trình này trước những nguy cơ. Ông Hùng thừa nhận việc dư luận đang quan tâm và đặt câu hỏi vì sao sau một năm trôi qua tính từ cái “bắt tay lịch sử” mà Hải Vân quan chậm chuyển biến, chưa có gì thay đổi nhiều. Tuy nhiên việc này đều có lý do, những người trong cuộc mới hiểu hết.

“Hải Vân quan là di tích, di sản vật thể liên tỉnh đầu tiên trong cả nước. Vì chưa có tiền lệ nên vậy việc phối hợp giữa hai địa phương rất lúng túng. Phải có sự thống nhất đồng thuận cao mới vào cuộc được”, ông Hùng nói.

Sau những “nhùng nhằng”, đến đầu năm 2018, khi UBND tỉnh TT – Huế phân công Trung tâm di tích Cố đô Huế đứng ra làm đầu mối phối hợp với Sở VH-TT Đà Nẵng để tính chuyện bảo vệ tôn tạo di tích. Phía Huế bỏ kinh phí thuê một “công dân đặc biệt” của Hải Vân quan để trông ngó bảo vệ, dọn dẹp di tích, trong khi đó phía Đà Nẵng lo việc khác về an ninh trật tự... Hai bên cũng đã thống nhất: Mỗi bên góp 1 tỷ đồng để thuê Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật, khảo cổ Hải Vân quan. Việc khai quật theo đúng quyết định của Bộ.

 “Đây là một việc làm rất cần thiết. Các chuyên gia, nhà khảo cổ, chuyên môn, có trách nhiệm trong quản lý di sản đều khẳng định tất yếu phải khảo cổ. Chỉ có khảo cổ mới xác định được cấu trúc và nền móng của công trình để có cơ sở trùng tu. Sau khi có kết quả khảo cổ, sẽ khẩn trương lập dự án đầu tư”, ông Hùng cho biết.

Theo quy định tất cả các dự án muốn triển khai trong năm tới, phải được phê duyệt trước 31/10, do đó phía Huế và Đà Nẵng thống nhất khi có kết quả khảo cổ, sẽ lập dự án đầu tư, hai bên cùng ký để trình phê duyệt. Việc hai đia phương cùng làm một dự án theo ông Hùng cũng chưa có tiền lệ, trước mắt sẽ rất khó nhưng ông tin rằng, sẽ gỡ bỏ được hết.

“Khi lòng người đã thuận, thì không có khó khăn, vướng mắc nào không thể giải quyết”, ông Hùng nói. Đồng thời với quá trình đó, hai bên sẽ phối hợp với nhau để tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để tính đến việc trùng tu, tôn tạo.

Bới tìm dấu xưa dưới nền Hải Vân quan ảnh 2 Ông Lại Thanh Hà nhặt rác ở Hải Vân quan. Ảnh: Nguyễn Thành.

“Mai này Hải Vân quan sẽ ra sao?”. Ông Hùng bảo: Cái đích lớn nhất mà Hải Vân quan hướng đến là giữ gìn ký ức, phục vụ công tác học tập, giáo dục truyền thống và nghiên cứu văn hóa lịch sử. Cuối cùng mới tính đến chuyện du lịch. “Nhiều người cứ nhắm vào chuyện phát triển du lịch. Du lịch và văn hóa có quan hệ với nhau. Văn hóa là tài nguyên lớn cho du lịch và du lịch phải có trách nhiệm với văn hóa. Nếu chăm chăm phục vụ du lịch sẽ vô tình tàn phá di tích, văn hóa”. 

Ông Hùng đơn cử, ngay như di tích Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng việc làm thang máy, làm các hạng mục khác để phục vụ du lịch đã vô tình tàn phá di tích này. “Vấn đề phục vụ du lịch, sau này Huế và Đà Nẵng sẽ phải cùng ngồi lại nhiều để tiếp tục bàn bạc, quyết định. Yêu cầu đầu tiên, cao nhất đối với di tích Hải Vân quan là phải bảo vệ và giữ gìn rồi mới tính đến việc khai thác. Phải soạn thảo quy chế, và tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế thống nhất giữa các bên trong việc này” – ông Hùng cho biết.

Thi sĩ nhặt rác trên đỉnh Hải Vân

 “Công dân đặc biệt” mà ông Hùng nhắc đến ở trên chính là ông Lại Thanh Hà, người nổi tiếng Hải Vân quan khi mấy chục năm trước một mình nhặt từng viên đá, làm sàn vọng cảnh miễn phí trên đỉnh đèo. Từ mười mấy năm trước, người đàn ông này đã đi vào ký sự nhân vật “Đừng gọi tôi là Lại Phiền Hà” của nhà báo Trần Tuấn (báo Tiền Phong) với nhiều tình tiết, câu chuyện ly kỳ, oái oăm để rồi “nổi tiếng”.

Ông trở thành đặc sản bằng da thịt ngay nơi đỉnh đèo, nhiều văn nhân thi sĩ Bắc Nam qua đây đều muốn gặp mặt. Từ ngày Hải Vân quan được công nhận di tích Quốc gia, hai địa phương bắt tay nhau, ông Hà có thêm công việc mới. Gặp ông Hà, dưới bóng Hải Vân quan với bao tải to đùng, đầy rác. Ông bảo: Vừa được phía Huế trả lương, để hàng ngày nhặt rác, dọn dẹp, trông coi khu di tích này. Hỏi bao nhiêu tiền? Ông cười hiền từ: “Không đáng bao nhiêu, nhưng đủ làm tôi yêu Huế hơn. Huế trả tiền nhưng tôi nhặt rác và trông coi luôn phần của Đà Nẵng”. 

“Tôi là thi sĩ viết chưa hay/Gánh nặng hai vai những sự đời/ Để thân cho gió mây mưa phủ/ Nhặt rác phân hôi, miệng vẫn cười/ Thà sống trọn đời như cây cỏ/ Còn hơn loài quỷ chốn giàu sang/ Mong bạn đừng cười và suy ngẫm/ Cái tên tự gọi Lại Phiền Hà”, dưới bóng Hải Vân quan, ông Hà đọc bài thơ mình vừa mới viết. Mấy chục năm qua, những vần thơ ông trở thành “đặc sản” của Hải Vân quan giữa đất trời vần vũ.

MỚI - NÓNG