Hi hữu ba giải Nhất
Do đặc thù của ngành thanh nhạc, bao giờ các giải thưởng cũng sẽ nhân đôi cho giọng nam và giọng nữ. Ở bảng A (tuổi dưới 23), hai giải Nhất thuộc về Trần Quang Cảnh và Lê Thị Minh Ngọc. Giải Nhất bảng B gọi tên Nguyễn Thị Hà My, Trần Quốc Đạt và Đỗ Vũ Lan Nhung.
Lý giải sự đột biến về số lượng này, giám khảo NSND Quốc Hưng cho hay: “Kỳ trước cuộc thi thu hút ít thí sinh, giờ sau hơn bốn năm tích lũy, bảng B nhiều thí sinh đăng ký hơn hẳn. Trong đó nhiều em chín muồi về giọng hát, tư duy, ngấm tác phẩm, thể hiện chất lượng đồng đều làm khó BGK. Chúng tôi phải soi thật kỹ để xác định Nhất, Nhì, Ba”. Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng khẳng định, lần đầu tiên có một cuộc thi hát thính phòng nhạc kịch mà chất lượng thí sinh tốt như thế.
Hà My (phải) tự bỏ tiền sang Nhật Bản để thi hát opera. Quốc Đạt từng bỏ ngang Học viện Tài chính để theo đuổi opera. |
NSND Quang Thọ, Trưởng Ban giám khảo (BGK) phát biểu: “Chúng tôi năm nay có 5 người chấm 60 em (ai có học trò dự thi sẽ không được chấm thí sinh đó), nhưng chúng tôi ý thức có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người chấm lại chúng tôi. Nên chúng tôi phải xét điểm và tư cách của các em tham gia cuộc thi khắt khe để trao giải xứng đáng”. Ông cũng khẳng định, đây là cuộc thi làm khó BGK nhất, giữa các giải có khi chỉ chênh nhau 0,1 điểm. Với các trường hợp tổng điểm của các giám khảo bằng nhau, BGK đã xin ý kiến Ban chỉ đạo, BTC dẫn tới kết quả có tới 3 giải Nhất và 4 giải Ba, trong khi vẫn chỉ có 2 giải Nhì.
NSND Quang Thọ cho hay, chính ông đưa ra quan điểm có thể xem xét sự nổi trội giữa giải Nhất này với giải Nhất kia để trao cho người trội hơn Giải thưởng Lớn.
Phát biểu bế mạc, GS.TS. NSND Ngô Văn Thành, Chủ tịch HĐGK nhận định, cuộc thi lần này xuất hiện giọng hát có thể coi là hiện tượng thanh nhạc cần có sự bồi dưỡng đặc biệt. Có người nêu ý kiến nên chăng trao cho tài năng đặc biệt này giải thưởng cao hơn giải Nhất.
NSND Quang Thọ khẳng định, chính ông đưa ra quan điểm có thể xem xét có sự nổi trội giữa giải Nhất này với giải Nhất kia để trao cho người trội hơn Giải thưởng Lớn. Ông cũng ví dụ trường hợp nghệ sĩ Ái Vân từng đoạt Giải thưởng Lớn (Grand Prix) tại LH Âm nhạc Quốc tế Dresden 1981 ở CHDC Đức sau khi cùng thi một ca khúc với ca sĩ đoạt giải Nhất và được BGK đánh giá cao hơn. Như vậy, đây cũng có thể là lý do cho sự xuất hiện hi hữu của 3 giải Nhất trong bảng B Thanh nhạc. Tức là có một người nhỉnh hơn nhưng chưa có quy chế cho “giải cao hơn giải Nhất”.
Tài năng vượt khó
Hà My sắp tốt nghiệp hệ cao học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, từng đoạt giải Nhất một cuộc thi opera tại Nhật Bản tháng 3 vừa rồi. Nhưng cô cho hay, trên cô vẫn còn một giải Đặc biệt nữa trao cho đại diện Hàn Quốc. Ai nghe Hà My hát đều ấn tượng ngay về độ dày và âm lượng “khủng” đối với một giọng nữ cao. Giọng Hà My được đánh giá là “của hiếm” trong làng nhạc kịch vì vừa có chất trữ tình vừa kịch tính. Tuy nhiên, chính vì thế mà việc chọn bài phù hợp với giọng hát này không phải dễ.
Đó cũng là lý do nhạc mục dự thi của Hà My có 6/7 bài thuộc dạng hiếm, thậm chí lần đầu tiên có người hát ở Việt Nam. Chẳng hạn aria Màn điên của Electra trích từ opera Idomeneo của Mozart cô chọn thi ở vòng một. Trích đoạn này đòi hỏi người hát phải duy trì sức căng cho toàn bài, phần cao trào buộc phải chạy nốt ở tốc độ cao, âm vực cao lên tới đỉnh điểm. Hà My rất hào hứng lao vào tập luyện bài thi.
Ngay đêm trước hôm thi, cô lên cơn sốt và phải tiêm thuốc, nhưng: “Có lẽ một phần tác dụng của thuốc, một phần là cảm giác hưng phấn cũng như những cảm xúc dồn nén từ những chuyện không vui trong cuộc sống đã khiến cho tôi trình diễn tác phẩm này như lên đồng. Sau buổi thi nhiều khán giả, bạn bè và thầy cô đều gặp tôi khen ngợi và thể hiện sự thích thú với bài thi đó”.
Hà My chia sẻ sự biết ơn những người đã dìu dắt, hỗ trợ mình đặc biệt là cô Ngọc Định (dạy đại học) và thầy Quốc Hưng (hướng dẫn hệ cao học): “Các thầy cô quá yêu thương tôi, chăm chút cho giọng hát không hề dễ phát triển của tôi, luôn ở bên bảo ban, động viên và sẵn sàng bao dung, độ lượng với những lỗi lầm non dại của tôi”.
Hà My tỏ ra quan tâm tới việc phổ cập opera: “Tôi từng có những buổi biểu diễn opera miễn phí cho sinh viên, trẻ em, người khuyết tật… tại các không gian công cộng. Tới đây, tôi sẽ cộng tác với các nghệ sĩ trẻ khác cùng chí hướng để phát triển thêm những hoạt động này”.
Trần Quốc Đạt, quê Khánh Hòa cũng là một giọng trung trầm khi cất lên khiến người nghe phải lắng tai về độ dày dặn. Đây cũng là kiểu giọng khó phát triển nếu không đi đúng hướng. Cậu phải thi vài lần mới đỗ vào Nhạc viện TPHCM, trong quá trình học cũng không được đánh giá cao.
Mặc dù cãi lời cha mẹ (muốn Đạt theo truyền thống kinh doanh của gia đình), sẵn sàng ra ngoài ở để theo đuổi thanh nhạc nhưng đã có lúc Đạt nghĩ đến chuyện từ bỏ. Cho đến khi cậu phát hiện ra NSND Quốc Hưng qua YouTube cũng có chất giọng kiểu như mình. Đạt nhờ người quen giới thiệu, được thầy nhận dạy thêm và lập tức có tiến bộ trong giọng hát. Đạt không ngại bỏ tiền bay ra Hà Nội thuê khách sạn ở để tranh thủ thọ giáo thầy. Điều thú vị là khi biết Đạt gặp được thầy, mẹ cậu đã quyết định ủng hộ con đường mà Đạt theo đuổi.
Quốc Đạt dự định sau khi tốt nghiệp đại học sẽ tiếp tục học cao học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Cậu cho biết chọn ngành opera vì thích được hóa thân vào các vai diễn. Đạt cũng bày tỏ mong muốn các nhạc sĩ viết nhiều tác phẩm opera hơn nữa: “Hát thứ tiếng gì đi chăng nữa cũng không thích bằng tiếng mẹ đẻ. Tất nhiên những nhạc sĩ nước ngoài là thiên tài, nhưng hát tiếng mẹ đẻ tôi vẫn thấy hạnh phúc hơn”.