Tối 11/10, Á quân Sao Mai 2013 Đinh Trang đăng bài trên Facebook cá nhân tiết lộ “sự thật đau lòng” về các học trò Lan Quỳnh (Quán quân Sao Mai 2022), Minh Mẫn (Quán quân Sao Mai xứ Nghệ 2022) và Hà My.
Theo Đinh Trang, cô từng hỗ trợ chuyên môn cho cả ba giọng ca khi họ thi Sao Mai hoặc chuẩn bị tốt nghiệp: "Tôi khi đó sắp sinh bé thứ hai nhưng vẫn nhiệt tình giúp đỡ, tư vấn chọn bài, dựng bài, truyền bí quyết thi cử, thậm chí chọn từng phục trang cho các bạn".
Ca sĩ Đinh Trang đang huấn luyện cho các thí sinh dự thi Tiếng hát Hà Nội. Ảnh: FBNV |
Nhưng gần đây cô phát hiện ra họ đều nói không hay về mình trong một nhóm chat kín gồm 33 thành viên của Operaphilia - tổ chức phi lợi nhuận đặt mục tiêu truyền bá âm nhạc thính phòng cổ điển thời gian gần đây thu hút khá nhiều giọng opera trẻ.
Đào Tố Loan, Khánh Ngọc... đều từng xuất hiện trong các sự kiện của nhóm, mới đây có thêm Bảo Yến (Quán quân Sao Mai 2015, vừa tu nghiệp ở Nga về).
Bảo Yến đưa ra bằng chứng cô bị "bêu xấu", "hạ bệ", thậm chí tuyên bố sẽ “quậy tung khoa Thanh nhạc của Nhạc viện” để cản trở việc Khoa mời Bảo Yến về cộng tác giảng dạy.
Cũng về nhân vật này, Đinh Trang cho biết: “Tôi đã tin tưởng anh, tin tưởng bọn trẻ sẽ tốt lên khi vào nhóm nên tôi đã giới thiệu Minh Mẫn và một số học trò khác tới anh… Tụi nhỏ đáng trách một thì anh đáng trách mười. Thay vì trao đổi chuyên môn trong sáng, lành mạnh, dạy bọn trẻ cách làm người tử tế thì anh lại đầu têu tụ tập nói xấu các anh chị, các thầy cô của chúng”.
Sau khi Đinh Trang và Bảo Yến công khai các bằng chứng về nhóm chat kín, những người bị “tố” đều đang giữ im lặng thì sáng 13/10, Facebook của Lan Quỳnh xuất hiện một lời xin lỗi được cho rằng “thêm xăng vào lửa”.
Trong bài người có thể là Lan Quỳnh nhấn mạnh: “Người tôi phải xin lỗi nếu tôi có ‘ăn cháo đá bát’ thì đó là cô giáo của tôi - Phó Trưởng khoa Thanh nhạc Tân Nhàn… Không bao giờ tôi phản cô. Còn với người đã vu khống tự xưng là cô giáo và nhận tôi làm học trò, nhằm hạ bệ tôi, suy kiệt tinh thần, danh dự và kinh tế, luật pháp sẽ làm việc với họ”. “Lời xin lỗi” nhận được nhiều bình luận không đồng tình biến mất ít giờ sau vì Facebook Lan Quỳnh lại tiếp tục đóng.
Tuy nhiên Đinh Trang sau đó lại cung cấp một tin nhắn có tinh thần khác hẳn mà Lan Quỳnh đã nhắn riêng cho cô trước khi đăng bài xin lỗi công khai. Trong tin nhắn riêng, Lan Quỳnh bày tỏ sự thành tâm hối lỗi và mong cô giáo xóa bài hoặc xóa tên mình trong bài…
Sự việc làm nhiều người bật ngửa về tính phức tạp trong hậu trường của một dòng nhạc được coi là hàn lâm và sang trọng. Nếu ở châu Âu thời trước những mạnh thường quân tài trợ cho dòng nhạc này bao giờ cũng thuộc tầng lớp quý tộc, cung đình, hiện nay cổ điển thính phòng chủ yếu trông chờ vào sự chu cấp của Nhà nước.
Gần đây khán giả bắt đầu tìm đến dòng nhạc này nhiều hơn, nhiều chương trình được tổ chức cho thấy sự khởi sắc đáng mừng, cho đến khi vụ việc xảy ra...
Lan Quỳnh trong buổi hòa nhạc cá nhân do Operaphilia hỗ trợ tổ chức. Ảnh: NVCC |
Đầu tiên phải nói là âm nhạc đặc biệt thính phòng cổ điển vẫn nên có sự hỗ trợ từ các nhóm xã hội hóa để tiếp cận khán giả và thêm không gian cho các nghệ sĩ trẻ trau dồi. Song tổ chức biểu diễn cũng là một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn và văn hóa chứ không thể là "sân chơi" để chứng tỏ quyền lực, kéo bè cánh.
Chắc chắn sự việc ít nhiều sẽ gây tổn hại đến giới nghệ sĩ, đến sinh hoạt nghệ thuật chung. Và cũng là bài học đau xót cho những người trong cuộc. Tinh thần tôn sư trọng đạo cũng được nhắc tới trước những quan điểm lệch lạc như chỉ học thêm thì không phải là thầy, có trả học phí thì không phải tri ân thầy cô nữa…
Tính chất hi hữu của vụ việc còn liên quan tới không gian ảo nhưng tác động lại rất thật. Trong quá trình trưởng thành, mấy ai không mắc sai lầm. May mắn thì sẽ nhận ra và sửa chữa, khắc phục theo thời gian để hoàn thiện nhân cách. Nhưng với người của công chúng sẽ khó khôi phục hình tượng cùng niềm tin yêu của mọi người nếu những lầm lỡ đã bị mạng găm lại...