Bối rối sửa đường hằn lún

Đường hằn lún tại trung tâm huyện Kỳ Anh
Đường hằn lún tại trung tâm huyện Kỳ Anh
TPO - Sau 2 năm xuất hiện trên diện rộng, nguyên nhân chính của hiện tượng hằn lún vệt bánh xe vẫn chưa được làm rõ. Đường vừa xong lại hằn lún, sửa rồi lại tái diễn. Ý kiến của các cơ quan chuyên môn thiếu tập trung, nhà thầu hoang mang, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhiều đêm mất ngủ.  

Triệt tiêu nỗ lực

Hiếm khi hội trường lớn của Bộ GTVT lại đông người như chiều qua 24/6, khi nội dung cuộc họp là một vấn đề chuyên môn hẹp là kỹ thuật xây dựng cầu đường. Bộ trưởng, 4 thứ trưởng, hầu hết lãnh đạo vụ, cục, tổng cục, các Ban QLDA của Bộ GTVT, các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh đều có mặt. Đại diện Bộ Xây dựng, một số cán bộ công an cũng được mời đến.

Phát biểu đề dẫn, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói, thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát chất lượng, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông. Tuy nhiên, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Bộ GTVT và các chủ đầu tư đường BOT đã chấn chỉnh trong thi công, khâu tư vấn giám sát và vật liệu ... nhưng “càng sửa, đường lại càng lún”, “càng nở rộ”. Người đứng đầu ngành GTVT với phong cách cứng rắn, trẻ trung, hay “pha trò” trong các cuộc họp lần đầu tiên thừa nhận nhiều đêm mất ngủ vì lo nghĩ về những vết hằn lún trên đường.

Đến nay, hầu hết các dự án lớn đều có hằn lún. Dự án đầu tư bằng ngân sách, dự án của nhà đầu tư tư nhân (làm đường để kinh doanh) cũng lún. Nơi có nền đường yếu lún; cầu có mặt đường bê tông, trải nhựa lên cũng lún. Vùng nắng nóng như miền Trung hay miền Bắc, miền Nam đều xuất hiện hiện tượng này. Dự án do nhà thầu trong nước giám sát hay các nhà thầu nước ngoài không “đòi ăn chia”, “nhận phong bì” đều bị lún.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam Nguyễn Ngọc Long ái ngại: “Bộ trưởng và Ngành GTVT đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện tượng hằn lún xảy ra 2 năm qua vẫn chưa thể xử lý được đang làm triệt tiêu nỗ lực này”.

Học tập nước ngoài, đi tắt đón đầu

Cuộc họp có nhiều ý kiến hiến kế cho lãnh đạo Bộ GTVT xử lý hiện tượng hằn lún. Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh nhấn mạnh đến việc nhiệt độ nóng lên và tải trọng xe (đặc biệt là tải trọng trục xe). Giải pháp ông Sanh đưa ra tập trung vào việc xử lý các điểm thường xuyên xảy ra hằn lún như những đoạn dốc, đoạn xe hay dừng đỗ xe đi chậm và liên tục trùng phục (xe nối đuôi nhau đi vào 1 điểm - PV) bằng việc sử dụng nhựa đường có cường độ tốt hơn hoặc bê tông xi măng.

Quan điểm này được nhiều người chia sẻ do biến đổi khí hậu tải trọng, mật độ phương tiện hiện nay đã khác trước đây. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị cần có những giải pháp căn cơ hơn trong thiết kế đường. Nhiều ý kiến đề xuất sử dụng loại nhựa chịu tải tốt hơn, các loại đá kích thước lớn hơn; thậm chí với làn đường xe tải phải có thiết kế riêng, khác làn đường dành cho xe chở người.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tập trung nhiều trường phái khác nhau. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường bảo lưu quan điểm phải có tư vấn giám sát tốt để kiểm soát vấn đề thi công theo tiêu chuẩn hiện có. Cố vấn Bộ trưởng GTVT Trịnh Xuân Cường lại cho rằng hắn vệt bánh xe là do lớp kết dính giữa lớp nhựa phía dưới và lớp nhựa mịn phía trên không tốt nên gây ra hiện tượng lún, một số ý kiến tập trung vào chất lượng nhựa, chất lượng thi công dù được Bộ GTVT cố gắng kiểm soát trong thời gian qua... Quá nhiều nguyên nhân, giải pháp được đưa ra nên làm cho không ít người nghe nhíu mày, lo ngại.

Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Quang Hùng bày tỏ sự quyết liệt, công khai của Bộ trưởng Thăng về vấn đề này. Đứng từ góc độ của mình, ông Hùng hiến kế cho Bộ trưởng Thăng cần tăng cường việc giám định, đối chứng các kết quả kiểm định chất lượng đường từ các đơn vị độc lập từ nước ngoài và học tập kinh nghiệm thế giới. “Chúng ta có nhiều chuyên gia giao thông nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên cần có những thí nghiệm bài bản và học tập kinh nghiệm nước ngoài”.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài. Với các dự án đang thi công phải thử nghiệm trước khi thảm lớp mặt, thiết kế chuyên biệt cho những vùng khí hậu, các vị trí khác nhau trên một tuyến đường; xử lý nghiêm nếu phát hiện tư vấn giám sát đòi “phần trăm, phần nghìn” khi làm việc. Với các dự án đã hoàn thành, Bộ trưởng Thăng cho biết, trước khi hết hạn bảo hành 3 tháng phải kiểm tra, nếu hư hỏng phải thảm lại; không để việc đến trước ngày hết hạn vá víu rồi bàn giao. Ông Thăng cũng chỉ đạo từ nay đến cuối năm cũng phải kiểm soát cơ bản tải trọng xe.

Về lâu dài, Bộ trưởng Thăng đồng ý cho nghiên cứu thiết kế áo đường riêng cho làn xe tải; tăng cường công tác kiểm định độc lập, đối chứng. Đặc biệt, Bộ trưởng Thăng yêu cầu các cơ quan của bộ kế thừa ngay kinh nghiệm thế giới, đi tắt đón đầu. “Từ nay đến cuối năm phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Không có gì là khó nếu như có quyết tâm thực sự” – ông Thăng nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, ngành GTVT tiêu nhiều tiền của dân nhất nên phải đầu tư hiệu quả, tiết kiệm; mọi giải pháp chống hằn lún không được tăng tổng mức và suất đầu tư công trình. Ông Thăng kể, lúc còn làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia ông không cho ký hợp đồng với nhà thầu Pháp để xây Nhà máy đạm Cà Mau mà chọn nhà thầu khác thực hiện theo tiêu chuẩn của Pháp. Giá thành dự án đó rẻ hơn một nửa; đến nay, nhà máy này vẫn ổn định.

MỚI - NÓNG