Bóc mẽ thủ đoạn doanh nghiệp xăng dầu trốn thuế

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính Phi Vân Tuấn
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính Phi Vân Tuấn
TP - Khai khống giấy tờ, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã hợp thức hóa thủ tục các lô hàng lậu về nước tiêu thụ gây thất thu cho ngân sách. Đây là lý do Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Tổng cục Thuế cho rằng, một số doanh nghiệp lợi dụng việc mua bán, vận chuyển xăng dầu giữa các công ty xăng dầu trong nước để hợp pháp hóa số xăng dầu lậu mua từ nước ngoài để tiêu thụ trong nội địa.

“Tàu đi nhận hàng mang theo hợp đồng, chứng từ mua bán khống giữa các công ty trong cùng hệ thống, sau khi nhận dầu, các đơn vị hoàn thiện hợp đồng, chứng từ phù hợp với lượng dầu vừa nhận để chuyển về kho hoặc đem đi tiêu thụ”, công văn do Phó Tổng cục trưởng Phi Văn Tuấn ký cho hay.

Chưa hết, ngành thuế còn chỉ ra mánh khóe mà các doanh nghiệp đang áp dụng khác. Cụ thể, các đơn vị nhập khẩu sau khi đã hoàn chỉnh thủ tục hải quan nhập lô xăng dầu, thay vì vận chuyển về kho lại tuồn lô hàng ra ngoài bán, sau đó các phương tiện tới các địa điểm tập kết hẹn trước để nhận lô xăng, dầu lậu (với số lượng, chủng loại đúng như trong hóa đơn của lô hàng vừa nhập khẩu hòng qua mắt lực lượng chức năng).

“Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mua xăng dầu từ cảng Dung Quất trên đường vận chuyển thì bán lô hàng này cho ngư dân trên biển, sau đó đến địa điểm hẹn trước nhập xăng dầu lậu từ tàu nước ngoài và sử dụng chính bộ hóa đơn của lô xăng dầu mua của nhà máy lọc dầu Dung Quất để hợp pháp lô hàng vừa nhập lậu (thủ đoạn quay vòng hồ sơ)”, công văn ngành thuế nêu rõ.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đánh giá: Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trên các vùng biển diễn ra phức tạp, với phương thức, thủ đoạn khác nhau, có những vụ lên tới 2 triệu lít xăng. Bộ này đánh giá, một số vùng biên giới trọng điểm thường diễn ra các hoạt động buôn lậu như: Vùng đặc quyền kinh tế Tây Nam; ven biển các địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang…. Còn Bộ Tài chính cho rằng, các hành vi lập khống, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm hợp thức hóa xăng dầu lậu, xăng dầu không có nguồn gốc gây thất thu ngân sách và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước. Hiện cả nước có 23 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

MỚI - NÓNG