TPO - Trong giấy thu tiền của lao động, các công ty không sử dụng dấu đỏ nên khi người lao động yêu cầu trả lại, công ty liền chối bỏ. Còn với chiêu trò quảng cáo đã xin được visa kỹ năng đặc định, thực chất đều là visa giả.
Như Tiền Phong đã phản ánh, lợi dụng nhu cầu làm việc ở Nhật Bản tăng cao khi chương trình kỹ năng đặc định được thông qua, hàng loạt công ty “chui” đã nở rộ như “nấm mọc sau mưa” dùng đủ trò để thu tiền người lao động.
Điển hình là Cty cổ phần đầu tư và xúc tiến thương mại QLT Việt Nam (số 8 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang om tiền của hàng trăm lao động. Trung bình, công ty này thu của mỗi lao động khoảng 40 triệu đồng, tính sơ số tiền công ty QLT Việt Nam đang chiếm giữ lên đến hàng chục tỷ đồng.
Sau khi phản ánh, ngày 7/1, một số lao động cho biết, đại diện phía Cty QLT Việt Nam đã bí mật gọi từng lao động lên để nói chuyện. Phía công ty hứa trả trước 10 triệu đồng, số tiền còn lại chia từng đợt cho lao động đồng thời yêu cầu người lao động rút đơn khiếu kiện. Tuy nhiên, người lao động không đồng ý.
Trong giấy báo nhập học, Cty QLT Việt Nam sử dụng dấu đỏ công ty để tạo lòng tin với lao động, nhưng trên phiếu thu tiền, công ty lại không sử dụng để chối bỏ trách nhiệm. Theo anh L.X.B (một lao động của Cty QLT Việt Nam), sở dĩ người lao động dễ bị lừa là do các công ty dùng mánh khóe quảng cáo đã xin được visa kỹ năng đặc định nên đa phần mọi người đều tin tưởng. Cuối cùng, khi liên hệ với cơ quan chức năng thì được biết đây đều là visa giả.
"Trong giấy thu tiền của lao động, các công ty không sử dụng dấu đỏ, khi người lao động yêu cầu trả lại thì công ty chối bỏ. Việc thực hiện các cam kết cũng rất lỏng lẻo", anh B nói.
Ngoài ra, việc các công ty "chui" đặt tên na ná (hoặc chỉ đảo ngược 1-2 từ) với các công ty phái cử được cấp phép khiến người lao động dễ hiểu nhầm. Chẳng hạn, như Cty Cổ phần Cung ứng nhân lực Nhật Việt; Cty Cổ phần Đầu tư và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, Cty cổ phần đầu tư VJC…. phản ánh trong bài.
Ông Đỗ Đình Quyền, Giám đốc Cty QLT Việt Nam trong lần hiếm hoi đối thoại với lao động. Hiện, toàn bộ nhân viên công ty này đã chuyển khỏi trụ sở Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định việc các công ty môi giới thu tiền của lao động theo chương trình kỹ năng đặc định là sai quy định.
Ông Liêm cho biết, đã tiếp nhận thông tin Tiền Phong phản ánh. Cục sẽ phối hợp Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) để vào cuộc xử lý, tránh để chương trình hợp tác lao động lớn của Việt Nam – Nhật Bản bị các tổ chức, cá nhân không có chức năng gây ảnh hưởng.
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (phụ trách chương trình kỹ năng đặc định) cho biết, phía Nhật hiện mới chỉ tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định đối với các thực tập sinh, du học sinh đang sinh sống, làm việc ở Nhật thông qua hình thức chuyển đổi sang tư cách lưu trú. Tính đến tháng 9/2019, có 219 người Việt ở Nhật chuyển đổi được visa kỹ năng đặc định. Còn ở Việt Nam, hiện chưa có lao động nào đi theo chương trình này. Cục vẫn đang trong quá trình đàm phán với các cơ quan chức năng của Nhật.