Bộ Xây dựng dùng công văn đính chính Nghị định có đúng quy định?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc Bộ Xây dựng dùng công văn để đính chính Nghị định 35 của Chính phủ gây xôn xao. Theo các chuyên gia, việc đính chính văn bản của cơ quan nào thì sẽ dùng công văn của cơ quan đó. Trong trường hợp này, đính chính Nghị định sẽ bằng công văn của Chính phủ, còn đối với sai sót về nội dung thì phải có Nghị định khác sửa đổi.

Bộ Xây dựng dùng công văn đính chính Nghị định của Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký công văn 333 về việc đính chính Nghị định 35 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Công văn nêu rõ: "Do sơ suất kỹ thuật, xin đính chính sai sót tại khoản 5 Điều 6 Nghị định 35 ngày 20/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng như sau: Khoản 5 Điều 6 Nghị định 35 viết: "Bãi bỏ khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 9". Nay sửa lại: "Bãi bỏ khoản 2 Điều 9".

Đây là những điều khoản được quy định tại Nghị định 100 ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Với việc đính chính trên, khoản 2 Điều 5 Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được giữ lại sau chưa đầy 1 tháng bãi bỏ theo Nghị định 35.

Bộ Xây dựng dùng công văn đính chính Nghị định có đúng quy định? ảnh 1

Khoản 2 Điều 5 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được giữ lại sau chưa đầy 1 tháng bãi bỏ theo Nghị định 35. Ảnh minh họa.

Việc Bộ Xây dựng dùng công văn để đính chính Nghị định của Chính phủ gây xôn xao. Nhiều ý kiến cho rằng, công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Muốn sửa đổi một Nghị định thì phải có một Nghị định khác thay thế hoặc bằng một văn bản pháp lý cao hơn. Việc ban hành một nghị định có thể có sai sót kỹ thuật, nhưng không nên dùng một công văn để đính chính. Đồng thời, việc đính chính như thế này sẽ gây rắc rối, làm khó các địa phương trong thực hiện quy định thời gian tới.

Trong khi đó, lý giải về việc bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết, trước đây khi xây dựng dự thảo Nghị định 35, Bộ đề xuất sửa một số khoản của Điều 5 Nghị định 100.

Sau đó, Thường trực Chính phủ họp, có ý kiến rà soát đánh giá thì nội dung Điều 5 Nghị định 100 đang sửa trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023.

Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến chính sách nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội theo hướng sẽ có hiệu lực ngay khi luật được Quốc hội bấm nút thông qua.

Vì thế, để bảo đảm tính ổn định của văn bản, không phải xử lý chuyển tiếp qua các giai đoạn khác nhau, Thường trực Chính phủ quyết định để sửa tổng thể trong Luật Nhà ở sửa đổi, không sửa Điều 5 Nghị định 100 nữa, các vấn đề sửa đổi liên quan tới phát triển nhà ở xã hội sẽ đưa vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi luôn.

Về việc bảo đảm tính thống nhất trong thực thi Nghị định 35 của Chính phủ, bà Hạnh cũng khẳng định văn bản đính chính số 333 là một phần nội dung của Nghị định 35, vì thế sẽ không làm khó các địa phương trong thực hiện quy định thời gian tới.

Đính chính Nghị định bằng công văn của Chính phủ

Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Hoàng Tuấn Vũ thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì Nghị định của Chính phủ là một loại văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Xây dựng dùng công văn đính chính Nghị định có đúng quy định? ảnh 2

Luật sư Hoàng Tuấn Vũ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì “Văn bản sau khi đăng Công báo, nếu phát hiện có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày thì phải được đính chính”. Như vậy, đối với những văn bản đăng công báo, nếu phát hiện có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày thì phải được đính chính.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 130 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì “Đính chính văn bản được thực hiện đối với văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày”.

Theo Luật sư Hoàng Tuấn Vũ, Nghị định của Chính phủ là một loại văn bản quy phạm pháp luật được đăng công báo.

"Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 94 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 01/2017/TT-VPCP) và Điều 130 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì Cơ quan ban hành có văn bản đính chính đối với những sai sót do lỗi trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, việc đính chính văn bản của cơ quan nào thì sẽ dùng công văn của cơ quan đó. Trong trường hợp này, đính chính Nghị định sẽ bằng công văn của Chính phủ", Luật sư Hoàng Tuấn Vũ nói

Cũng theo Luật sư Hoàng Tuấn Vũ, việc dùng công văn đính chính Nghị định chỉ phù hợp sai sót về mặt kỹ thuật, còn đối với sai sót về nội dung thì phải áp dụng hình thức sửa đổi.

Nội dung khoản 2 Điều 5 Nghị định 100

"Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%, tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước... hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương, dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn".

MỚI - NÓNG
Bổ sung 39 phó chủ tịch UBND phường tại TPHCM
Bổ sung 39 phó chủ tịch UBND phường tại TPHCM
TPO - Ngoài 2.535 biên chế công chức làm việc tại 169 phường được giao, TPHCM còn giao bổ sung 39 phó chủ tịch UBND phường tăng thêm theo quy định tại Nghị quyết 98. Các phường đông dân được tăng một phó chủ tịch và 4 công chức.
Ca khúc cách mạng, đoàn thanh niên gây bão mạng
Ca khúc cách mạng, đoàn thanh niên gây bão mạng
TPO - Những ca khúc "Đường lên phía trước", "Khát vọng tuổi trẻ", "Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ"... được nhiều tài khoản mạng xã hội sử dụng làm nhạc nền cho các video diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hoặc một số video có nội dung lịch sử, tái hiện hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.