Trước phản ánh của doanh nghiệp về những nội dung sai trái trong Công văn số 551, ngày 2/4/2013, của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh chi phí nhân công để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt Cục Kiểm tra) đã chính thức kết luận, đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp xử lý theo thẩm quyền.
Cụ thể, theo Cục trưởng Cục Kiểm tra – ông Lê Hồng Sơn, Công văn số 551 của Bộ Xây dựng (viết tắt Công văn 551) thuộc loại công văn hành chính, không được thực hiện theo quy trình và thể thức của một văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nội dung của văn bản này lại có chứa các quy phạm pháp luật (thể hiện ở các điểm 1, 2 của Công văn). Do đó, Công văn số 551 đã vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo quy định của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản QPPL cần phải hủy bỏ.
Bên cạnh đó, tại Công văn 551 còn đưa ra một số hướng dẫn không phù hợp với pháp luật hiện hành, cụ thể như sau: Tại điểm 1 của công văn, hướng dẫn: “Đối với dự toán xây dựng công trình tại các địa phương mà chi phí nhân công được lập trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ đã phù hợp với mức giá nhân công thực tế trên thị trường tại địa phương đó thì không điều chỉnh chi phí nhân công trong dự toán xây dưungj công trình theo mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 103/2012/NĐ-CP”.
Như vậy, quy định về mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ quy định cho các thời kỳ sẽ không được tuân thủ. Hướng dẫn này cần được nghiên cứu, xử lý bảo đảm tính hợp pháp trong việc tổ chức thực hiện quy định của Chính phủ về lương tối thiểu (là mức lương thấp nhất cho từng thời kỳ, buộc các doanh nghiệp phải chấp hành khi ký hợp đồng lao động với công nhân, người lao động - không được trả lương cho công nhân, người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu được quy định).
Nói về những nguy cơ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, Cục Kiểm tra phân tích, nếu thực hiện nội dung quy định tại Công văn 551, có các khả năng như sau: Thứ nhất, sẽ có trường hợp doanh nghiệp không được điều chỉnh giá dự toán công trình xây dựng về chi phí nhân công theo mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định cho từng thời kỳ. Đây sẽ là một lý do để doanh nghiệp duy trì việc trả lương theo mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu mới, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, dễ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, hoặc thậm chí gây ra “điểm nóng” tại các địa phương có công trình xây dựng.
Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp thực hiện trả lương cho người lao động đúng quy định của Chính phủ về lương tối thiểu cho từng thời kỳ (mức lương tối thiểu mới được quy định cao hơn) thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hạch toán - có khả năng buộc phải bù trừ từ các khoản chi khác đã được dự toán dẫn đến ảnh hưởng chất lượng, tiến độ hoàn thành công trình hoặc doanh nghiệp buộc phải chịu lỗ.
Cuối cùng, tại điểm 2 của Công văn 551 giao cho: “Các địa phương tính toán, xác định và quyết định việc công bố các hệ số điều chỉnh mức chi phí nhân công cho phù hợp với từng khu vực của địa phương mình quản lý”. Về nội dung này, Cục Kiểm tra cho rằng, sẽ làm cho các địa phương lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong phạm vi toàn quốc (hiện nay có địa phương thực hiện, có địa phương không thực hiện nội dung Công văn 551), làm cho nguyên tắc pháp chế XHCN không được tuân thủ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi đầu tư trên các địa bàn khác nhau.
Với những sai phạm nêu trên, Cục Kiểm tra chính thức có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng tổ chức việc tự kiểm tra, xử lý hủy bỏ Công văn 551 theo quy định của Chính phủ; Trường hợp thấy cần có quy định về điều chỉnh chi phí nhân công để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Cục Kiểm tra đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành bằng văn bản quy phạm pháp luật, để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất đồng bộ, tính khả thi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động cũng như của doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực xây dựng.