Làm rõ trách nhiệm hướng dẫn trái luật, bồi thường cho dân

Người mua nhà tại khu căn hộ Keangnam nhiều lần khiếu nại về cách tính diện tích căn hộ
Người mua nhà tại khu căn hộ Keangnam nhiều lần khiếu nại về cách tính diện tích căn hộ
TP - Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn tính diện tích căn hộ chung cư thiếu đồng nhất, gây thiệt hại lớn cho dân. Đã không nhận sai, lại không cho người bị hại hồi tố.

Đại diện ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định bên cạnh việc khắc phục hậu quả, Bộ Xây dựng phải công khai xin lỗi.

Hướng dẫn trái luật gây thiệt hại lớn

Theo bà Trịnh Thuý Mai, đại diện cho nhiều người dân mua nhà tại khu căn hộ Keangnam, người mua nhà đang phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do quy định bất hợp lý của Thông tư 16 gây ra.

Cụ thể, về diện tích căn hộ, người mua nhà đã phải trả tiền cho phần diện tích sở hữu chung mà chủ đầu tư tính vào diện tích căn hộ. Người dân cũng phải đóng phí dịch vụ hàng tháng, phí bảo trì, thuế nhà đất hàng năm cho phần diện tích thuộc sở hữu chung này.

Làm rõ trách nhiệm hướng dẫn trái luật, bồi thường cho dân ảnh 1

Người mua nhà tại khu căn hộ Keangnam nhiều lần khiếu nại về cách tính diện tích căn hộ

Ví dụ căn hộ của bà Bùi Bảo Quyên có diện tích trong hợp đồng là 206,95m2, nhưng khi nhận nhà trên thực tế đã có đến 30,21m2 là diện tích thuộc sở hữu chung. Với đơn giá 2.500 USD/m2, bà Quyên đã phải trả 75.525 USD, khoảng 1,56 tỷ đồng cho phần diện tích thuộc sở hữu chung trong căn hộ.

Nhằm khắc phục những hạn chế tại Thông tư 16 năm 2010, Bộ Xây dựng cho biết đã ban hành Thông tư 03 ngày 20/2/2014 sửa đổi Điều 21 của Thông tư 16/2010, bãi bỏ cách tính theo tim tường và quy định diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy. Mặc dù sửa lại quy định, nhưng Bộ Xây dựng đã không đả động gì đến hậu quả pháp lý đã phát sinh trong thực tế. 

Cụ thể, tại Thông tư 03, Bộ Xây dựng đã “phủi” trách nhiệm khi ghi: Trường hợp các bên đã ký hợp đồng mua bán căn hộ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì việc xác định diện tích căn hộ để tính tiền mua bán được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ mà các bên đã ký kết. 

Theo bà Trịnh Thúy Mai, quy định của văn bản sửa đổi như trên đã không thể hiện trách nhiệm của Bộ Xây dựng đối với hành vi do chính mình gây ra. Bà Mai kiến nghị cơ quan chức năng phải vào cuộc và có biện pháp để trả lại số tiền mà người dân đã mất oan (do quy định tại Thông tư 16). “Chủ đầu tư phải hoàn trả người mua những phần diện tích sở hữu chung trong căn hộ. Những hợp đồng chưa nhận nhà và chưa trả hết tiền, chủ đầu tư cần điều chỉnh lại hợp đồng cho đúng” - bà Mai kiến nghị.

Không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng?

Ông Ngô Văn Minh, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, về nguyên tắc bất cứ cơ quan, cá nhân, doanh nghiệp nào làm sai, gây thiệt hại cho người dân thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. 

Làm rõ trách nhiệm hướng dẫn trái luật, bồi thường cho dân ảnh 2

Người mua nhà tại khu căn hộ Keangnam phải chịu nhiều thiệt thòi do Thông tư 16 gây ra. Ảnh: Hà Anh

Việc Bộ Xây dựng “âm thầm” ban hành Thông tư 03/2014 (đến ngày 8/4/2014 mới có hiệu lực) sửa đổi cách tính diện tích căn hộ (bỏ đi cách tính tim tường mà chính bộ này đã quy định tại Thông tư 16/2010), không quy định trách nhiệm hồi tố là một dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm. Về ứng xử, ông Minh cho rằng, Bộ Xây dựng phải công khai xin lỗi người mua nhà. Những người ban hành văn bản trái luật phải bị xử lý.

“Việc tính diện tích căn hộ, Bộ Xây dựng không nên đi vào hướng dẫn chi tiết như vậy, nên để chủ đầu tư và khách hàng tự thỏa thuận cách tính. Nếu đã hướng dẫn không nên nước đôi. Cách hướng dẫn như thế thể hiện trình độ yếu kém của cơ quan xây dựng luật”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm

Cũng theo ông Minh, Thông tư 16 đã đưa ra quy định không hợp lý, không hợp pháp, không phù hợp với thực tiễn. Việc biến sở hữu chung thành sở hữu riêng là vi phạm Bộ Luật dân sự.

Nghị định 71 đã nói rõ đâu là sở hữu chung, đâu là sở hữu riêng, nhưng đến Thông tư 16 và văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng lại khác. Bên cạnh những thiệt hại do tính sai diện tích, người dân còn phải nộp cả phí hàng tháng cho phần diện tích sở hữu chung vô lý. 

Ông Minh cho biết thêm: Bộ Xây dựng đã không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng về nội dung này vào năm 2011 và mới nhất là vào tháng 1/2014. Hai lần Thủ tướng chỉ đạo mà Bộ Xây dựng vẫn không kịp thời báo cáo. 

“Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã khẳng định Bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường sẽ làm việc với nhau để thống nhất nội dung báo cáo Thủ tướng. Về phía Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng” - đại diện Ủy ban Pháp luật cho hay.

Vậy quyền lợi của người mua nhà sẽ được giải quyết ra sao? Ông Minh cho biết: Nếu hợp đồng ký giữa người mua và chủ đầu tư không tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì bị vô hiệu và chủ đầu tư phải trả lại tiền cho người mua nhà. 

“Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân cần khởi kiện chủ đầu tư ra tòa. Tòa án có quyền tuyên hủy hợp đồng đó vì vô hiệu”, ông Minh khẳng định.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, trường hợp doanh nghiệp áp dụng pháp luật sai thì phải bồi thường cho người mua nhà.

MỚI - NÓNG