Chiều 10/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) và một số đại biểu khác chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về giải pháp phục hồi du lịch nội địa sau 2 năm đại dịch COVID-19.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, du lịch là ngành chịu tác động nhiều nhất từ đại dịch COVID-19. Riêng du lịch quốc tế mức thiệt hại rất lớn, còn Việt Nam chưa thể thống kê chi tiết, nhưng thiệt hại cũng rất lớn khi đóng băng trong 2 năm.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh Như Ý |
Từ thời điểm 15/3, khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch, ông Hùng cho biết lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đều tăng, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên. Khi khách quốc tế chưa thể đến Việt Nam sau đại dịch, Thủ tướng chỉ đạo chọn du lịch nội địa làm “bệ đỡ”. Vì thế, hoạt động ở các địa phương nhằm kích cầu du lịch nội địa đã đóng góp tích cực trong du lịch.
Theo ông, nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao về du lịch nội địa, đặc biệt doanh thu từ việc này. Có địa phương doanh thu tăng đáng kể như Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM. Các dịch vụ đi theo cũng có sự tăng trưởng đáng phấn khởi.
Bộ trưởng cũng cho rằng, tổ chức đón khách quốc tế phải tính toán điểm đi và điểm đến, tức là đảm bảo sự kết nối giữa nơi đón khách và nơi khách đi. Việc này cần vai trò của đơn vị lữ hành trong kết nối. Hai là chủ động làm mới sản phẩm du lịch.
“Khách quốc tế sau dịch đang có xu hướng lựa chọn không đi theo số đông mà chọn điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn nhu cầu về văn hóa”, theo ông Hùng, các yếu tố văn hóa là lợi thế của Việt Nam so với các nước nên cần dựa vào đây để khai thác, đưa ra sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế.
Tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu vấn đề quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết.
Đại biểu cho rằng, ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này, nhưng là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng: cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền mà cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm?
Nội dung thứ hai, có ý kiến cho rằng Bộ chưa thật sự quan tâm đến lĩnh vực gia đình. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Bộ trưởng bày tỏ quan điểm về ý kiến trên?
Giải trình, Bộ trưởng Hùng cho biết, quản lý văn hoá là vấn đề rất rộng. Thời gian qua, Bộ Văn hoá đã ký kết hợp tác với Bộ GTVT để xây dựng “văn hoá giao thông”; ký kết với Bộ GD&ĐT để triển khai “văn hoá học đường”; văn hoá trong công nhân và người lao động… qua đó tạo ra sức mạnh tổng hợp, cùng các ngành các cấp xây dựng môi trường văn hoá.
Liên quan đến lĩnh vực gia đình, Bộ trưởng phủ định việc không quan tâm đến vấn đề này. Theo ông, gia đình là tế bào của xã hội, do nhiều cơ quan quản lý khác nhau, với nhiều bộ luật khác chi phối, chứ không chỉ Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Ông cho biết, đang xây dựng tiêu chí gia đình hạnh phúc, và đây là vấn đề có tính chất lâu dài.