An toàn là số 1
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nêu vấn đề rất thời sự liên quan dự án đường sắt trên cao Hà Đông- Cát Linh và chất vấn: “Dự án này sử dụng công nghệ nào, vì sao tiến độ quá chậm, đội vốn quá cao. Nếu xảy ra rơi tàu xuống đất thì là thảm họa. “Bộ trưởng có cam kết khi đưa công trình này vào vận hành khai thác sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối không? Nếu thấy không an toàn thì có đội vốn hơn nữa cũng phải gia cố thêm”, ông Đương hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ, công trình này sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công với công nghệ mới nhất của Trung Quốc. Ông Thăng khẳng định, các cơ quan của bộ đã phê duyệt những quy định đảm bảo an toàn khi thi công. Tuy nhiên, đáng tiếc là vừa qua xảy ra sự cố, Bộ đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan và dừng thi công dự án. Hiện nay đoạn nào đảm bảo an toàn mới cho thi công trở lại. Quan điểm của bộ, tiêu chuẩn an toàn là số một, sau đó mới đến hiệu quả”, ông Thăng cam kết.
Đã hứa phải thực hiện đúng
Bộ trưởng Thăng cho biết, để đột phá cơ sở hạ tầng giao thông trong bối cảnh tái cơ cấu đầu tư công, nguồn lực nhà nước ngày càng hạn chế, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều cơ chế huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Gần 3 năm qua đã huy động 160 nghìn tỷ ngoài xã hội, bằng 60% tổng vốn đầu tư cho GTVT. Về quản lý sau chuyển giao thu phí, Bộ trưởng Thăng cho biết, một số nhà đầu tư xin chuyển giao nhưng vẫn kế thừa các điều kiện mà nhà đầu tư trước đây đã cam kết, thu phí theo khung giá Bộ Tài chính nên không thể tăng giá tùy tiện, thu phí cao.
Liên quan đến trách nhiệm của các địa phương về xe quá tải, Bộ trưởng Thăng nêu rõ, nếu địa phương thực sự vào cuộc, bí thư, chủ tịch tỉnh vào cuộc thì không có chỗ cho xe quá tải bởi DN vận tải lớn bé nào ở địa phương là lãnh đạo biết hết.
Về việc thi công các dự án giao thông đi qua khu dân cư, sản xuất của người dân, Bộ trưởng Thăng cho biết, tổ chức thi công phải có thỏa thuận của chính quyền địa phương. “Một số dự án do kiểm soát, phối hợp với địa phương chưa tốt gây khó khăn cho người dân vùng dự án như chậm làm hầm chui dân sinh. Việc này đã được chấn chỉnh, thực hiện theo đúng cam kết với người dân”, ông Thăng khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ trưởng Thăng cam kết nội dung này với người dân trong vùng dự án, Bộ trưởng Thăng quả quyết: “Bộ đã không hứa thì thôi, đã hứa là phải thực hiện đúng, xong hầm chui cho người dân theo kế hoạch”.
Mức thu phí có cao không?
Trả lời ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) về thu phí đường bộ theo hình thức BOT làm sao đảm bảo hài hòa, mức thu phí hiện nay có
cao không?
Bộ trưởng Thăng cho biết, thời gian đầu cũng có ý kiến thu quá cao như tại dự án cao tốc Hà Nội- Lào Cai, nhưng sau khi trao đổi với Hiệp hội vận tải, đại diện các DN thì thấy là mức thu hợp lý bởi thời gian lưu thông rút ngắn một nửa, trước xe tải đi 7- 8 giờ, nay còn 3,5- 4 giờ, từ đó chi phí giảm 30%, bao gồm cả chi phí xăng dầu do đường thẳng, an toàn hơn. “Nhiều người trước đi Lào Cai theo QL 70 bị say xe, bây giờ có thể vi vu, vừa đi vừa nghe nhạc, làm thơ. Có nhạc sỹ đi trên đường êm ru đã sáng tác cả bài hát đường cao tốc gửi cho chúng tôi”, ông Thăng hóm hỉnh.
Đối với khoảng cách trạm thu phí BOT trên QL 1, Bộ trưởng Thăng cho biết, cự ly đảm bảo theo quy định của Bộ Tài chính, tối thiểu cách nhau 70 km.
Trả lời ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) về kiểm soát tải trọng phương tiện? Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014- 2015.
Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm
ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) hỏi, công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành GTVT đã hiệu quả chưa? Tại sao vẫn còn tình trạng công trình đội vốn cao nhưng chất lượng chưa cao?
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng là khó khăn, phức tạp và Bộ GTVT xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm bởi GTVT là ngành sử dụng vốn nhiều nhất. Giải pháp đột phá của Bộ là xác định chế độ trách nhiệm của người đứng đầu gồm bộ trưởng, thứ trưởng, lãnh đạo các cục vụ, DN. Thực hiện công khai minh bạch mọi hoạt động của ngành từ công tác cán bộ, chủ trương đầu tư, đấu thầu...; quy định rõ những điều Ban quản lý dự án không được làm; tiến hành xếp loại các chủ thể tham gia dự án theo A,B, C; xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm.
Về nguyên nhân đội vốn, ông Thăng cho rằng, có nguyên nhân chủ quan do đầu tư không đúng quy hoạch, GPMB chậm. “Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà 3 năm gần đây tất cả các công trình giao thông không có công trình nào đội vốn mà chỉ có giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu. Chuẩn bị đầu tư tốt, GPMB nhanh thì không có lý do gì đội vốn cả”, ông Thăng khẳng định.
Trả lời ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về suất đầu tư đường ở Việt Nam có những đoạn cao nhất hành tinh? Bộ trưởng Thăng cho biết, Bộ Xây dựng đã kiểm tra, có so sánh đánh giá thấy, suất đầu tư của Việt Nam là thấp hơn Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng có dự án suất đầu tư cao do chi phí GPMB lớn, xây dựng kéo dài dẫn đến trượt giá, chi phí rà phá bom mìn, quá nhiều nút giao, cầu vượt, hầm chui dân sinh.