Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thanh, kiểm tra để xóa bỏ 'u nhọt', gỡ khó cho các trường

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Đại hội XIII của Đảng. ẢNH NHƯ Ý
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Đại hội XIII của Đảng. ẢNH NHƯ Ý
TPO - “Trong môi trường cạnh tranh, nếu một số trường đại học hoạt động không tốt sẽ ảnh hưởng tới các trường khác. Nên thực chất thanh, kiểm tra ở đây là xóa bỏ những “u nhọt” để môi trường cạnh tranh thực sự công bằng, dân chủ”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Đại hội XIII của Đảng.

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29, đâu là những kết quả Bộ trưởng tâm đắc nhất?

Có rất nhiều kết quả sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trước hết, đã thể chế hóa được các quan điểm, nội dung của Nghị quyết 29 trong các cơ chế, chính sách Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT nên đến thời điểm này đã có hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đổi mới.

Ở bậc mầm non, đã phổ cập được mầm non 5 tuổi trên toàn quốc. Có thể nói đây là kết quả rất lớn khi nước ta là quốc gia ở mức thu nhập trung bình và trong điểu kiện còn rất nhiều vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Chúng ta cũng đạt được phổ cập tiểu học và THCS ở mức độ cao. Hiện nay, các địa phương đã đạt được chuẩn giáo dục tiểu học mức độ 3 và khoảng 18 địa phương ở mức độ 2, 3 đối với cấp THCS.

Chất lượng giáo dục phổ thông cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Bậc tiểu học qua đánh giá vừa rồi, chất lượng tiểu học vào nhóm đầu các nước ASEAN; trong đánh giá chất lượng đại trà PISA, điểm của học sinh Việt Nam cũng ở nhóm cao trong số 79 nước, trong đó chủ yếu là các nước OECD.

Kết quả của giáo dục mũi nhọn, thể hiện trong các giải Olympic quốc tế cũng đạt rất cao. Trong 5 năm vừa rồi, 54 Huy chương vàng, gấp đôi giai đoạn 5 năm trước đó và cũng được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Với giáo dục đại học, giai đoạn vừa qua cũng nhiều điểm sáng. Trước hết thực hiện tự chủ đại học, nhiều trường đại học thực hiện rất mạnh quản trị đại học, trong đó có một số đại học đã bắt đầu xuất hiện trên các bản đồ xếp hạng quốc tế. Lần đầu tiên Việt Nam có 4 trường đại học được xếp trong nhóm 1000 trường đại học tốt nhất thế giới, 11 cơ sở giáo dục đại học xếp trong nhóm 500 trường tốt nhất Châu Á.

Kinh nghiệm rút ra là phải kiên trì đổi mới và cho đến nay có thể thấy là đổi mới đã đi đúng hướng - đây là điểm quan trọng.

Bộ trưởng có thể lý giải cụ thể hơn về những điểm đổi mới trong tự chủ đại học?

Đối với đại học, chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học rất mạnh. Lần đầu tiên tư duy tự chủ đại học đã ngấm được vào đội ngũ lãnh đạo các trường đại học. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm thời gian, bởi tự chủ đại học là một quá trình. Quan trọng là lãnh đạo các trường đại học thấy được tự chủ là tất yếu. Bên cạnh tự chủ là gắn với trách nhiệm giải trình và thực hiện tốt tự chủ là gắn với chất lượng.

Bộ đã rất quan tâm tới hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình tự chủ. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018, sau đó tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 99. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo các trường đại học đẩy mạnh tự chủ đại học, trước hết là hoàn thiện Hội đồng trường, để Hội đồng trường phải là một thiết chế thực quyền.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang làm rất mạnh về kiểm định và minh bạch về chất lượng. Các trường đại học hiện nay đang thực hiện theo cơ chế cạnh tranh nên chương trình đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng phải được công khai, minh bạch.

Trong bối cảnh tự chủ đại học, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung rà soát, ban hành cơ chế chính sách, tạo môi trường đủ thông thoáng và chặt chẽ cho các cơ sở giáo dục đào tạo hoạt động mang tính cạnh tranh và tăng cường thanh, kiểm tra. Thời gian qua, thanh kiểm tra chưa mạnh, tới đây phải làm mạnh hơn. Thanh kiểm tra không phải để siết lại mà thực chất là để qua đó “gỡ khó” cho các trường.

Ví dụ trong môi trường cạnh tranh, nếu một số trường đại học hoạt động không tốt sẽ ảnh hưởng tới các trường khác. Nên thực chất thanh, kiểm tra ở đây là xóa bỏ những “u nhọt” để môi trường cạnh tranh thực sự công bằng, dân chủ. Các trường và các ngành đào tạo phải thể hiện được nhu cầu của thị trường.

Chúng tôi đang triển khai rất mạnh chuẩn chương trình, tất cả các chương trình phải đáp ứng chuẩn đầu ra, còn các cơ sở đào tạo theo điều kiện đảm bảo trên chuẩn đó. Đây là điểm mới trong Luật Giáo dục đại học năm 2018. Hiện nay, nhiều trường được tự chủ mở ngành và tuyên bố chuẩn đầu ra nhưng chuẩn phải được công khai. Như vậy, những trường không đủ điều kiện không thể tồn tại được. Ở đây không phải sử dụng biện pháp hành chính mà qua công khai, minh bạch và giám sát để người học có quyền lựa chọn.

Đột phá đổi mới cơ chế quản lý

Vậy xu hướng phát triển tự chủ đại học trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ GD&ĐT có trách nhiệm làm minh bạch và hiện nay chúng tôi đã triển khai một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia của đại học. Chủ trương của ngành là trong 5 năm tới sẽ triển khai mạnh chuyển đổi số đối với đại học, một mặt chuyển đối số để xây dựng tài nguyên số và xây dựng phương thức đào tạo trực tuyến kết hợp với trực tiếp tốt, nhưng chúng tôi rất quan tâm tới áp dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa điều kiện đảm bảo chất lượng. Có nhiều trường trên thực tế có thể quảng cáo rất hay nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Tôi lấy ví dụ, hiện nay một trong những điều kiện để mở mã ngành là đội ngũ giảng viên, khi không minh bạch hoặc chưa minh bạch đầy đủ danh sách giáo viên thì có thể các trường mượn tên của nhau. Nhưng bây giờ minh bạch thì giảng viên nào đã ở trường này thì không có tên ở trường kia. Như vậy, những cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt một số trường tư thục không đảm bảo chất lượng thậm chí Bộ GD&ĐT chưa cần thiết phải có biện pháp hành chính mà chỉ cần công khai. Và hiện nay đã thấy hiện tượng một số trường tư không tuyển được học sinh nên sẽ phải điều chỉnh.

Chủ trương của Bộ là cố gắng hạn chế hành chính, tăng cường minh bạch, tạo cơ chế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi cho người đi học, bảo vệ cho những cơ sở giáo dục đại học làm tốt, để từ đó sẽ sắp xếp được trật tự của thị trường.

Hướng đổi mới rất mạnh mà chúng tôi cho là đột phá là đổi mới cơ chế quản lý. Đối với nhà nước tập trung quản lý nhà nước, đối với nhà trường tập trung quản trị. Quản lý nhà nước phải tăng cường, nhất là nhiệm vụ thanh kiểm tra. Trong quá trình thanh kiểm tra nếu thấy cần điều chỉnh cơ chế chính sách cần kịp thời điều chỉnh, chứ không phải ban hành xong là xong. 

Chúng tôi quyết tâm, những cơ sở nào kém chất lượng và có biểu hiện gian dối thì trong thẩm quyền và kiến nghị các cấp có thẩm quyền làm mạnh, để tạo ra môi trường minh bạch. Đối với bậc đại học là bậc đào tạo nguồn nhân lực, trong chừng mực nào đó sự minh bạch sẽ sắp xếp lại các nguồn lực, điều chỉnh lại các trường.

Cảm ơn ông!
MỚI - NÓNG