Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đã hết thời giấu kín sự cố tấn công mạng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
TPO - “Nếu như trước đây khi xảy ra ra sự cố, chúng ta cố gắng giữ kín, càng ít người biết càng tốt, thì giờ đây, không ai an toàn một mình trong không gian mạng. Càng chia sẻ, chúng ta càng an toàn hơn”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Ngày An toàn thông tin 2019.

Bộ trưởng Hùng chia sẻ, không gian mạng là một không gian hoàn toàn mới, cứ mỗi giây lại có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Bộ trưởng Hùng cho rằng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nghĩ. “Nếu như trước đây khi xảy ra sự cố, chúng ta cố gắng giữ kín, càng ít người biết càng tốt, thì giờ đây, không ai an toàn một mình trong không gian mạng. Càng chia sẻ, chúng ta càng an toàn”, ông Hùng nói và cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho CNTT. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ này đang ở mức dưới 5%.

Ông Hùng cho rằng, Việt Nam cần phải có một mạng lưới chuyên gia và đơn vị chuyên trách dưới sự điều phối của cơ quan chức năng. Thông tin phải được chia sẻ kịp thời. Khi sự cố xảy ra với một đơn vị, các đơn vị sẽ cùng coi đây là trách nhiệm của mình, sẵn sàng tham gia ứng cứu theo sự điều phối chung.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đã hết thời giấu kín sự cố tấn công mạng ảnh 1Theo thống kê, cứ mỗi giây lại có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra 

Bộ trưởng Hùng cũng cho rằng đã đến lúc phải thay đổi cách làm, thay vì chỉ chú trọng đầu tư cho giải pháp, thiết bị thì giờ đây con người là quan trọng nhất, sau đó đến quy trình, rồi mới đến giải pháp, thiết bị.

Ngoài ra, cần nâng cao tiềm lực an toàn, an an ninh mạng quốc gia. Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng, ưu tiên sử dụng các sản phẩm “Make in Vietnam”.

Ông Hùng cũng cho rằng, Việt Nam có lợi thế lớn khi có xấp xỉ 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực ICT. Nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng vào loại tốt trên thế giới, với những chuyên gia đạt đẳng cấp quốc tế. “Cùng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, với sự ủng hộ của Nhà nước và liên kết chặt chẽ của Liên minh, Việt Nam hoàn toàn có thể sinh ra những doanh nghiệp lớn mạnh để trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy”, ông Hùng nói.

Trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam sáng nay, Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) đã khai trương Hệ thống Chia sẻ và Giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.

Hệ thống này sẽ giúp giám sát, phân tích thông tin từ đó chia sẻ và  đưa ra cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử. Có 31 Bộ, ngành, địa phương đã kết nối kỹ thuật thành công với Trung tâm này. Sau thời gian thử nghiệm 6 tháng, khi chính thức được đi vào hoạt động, “Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” sẽ tiếp tục triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

MỚI - NÓNG