Bộ trưởng Giáo dục: Năm nay cơ hội trúng tuyển cao hơn

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
TPO - Sáng nay, 14/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã giải đáp thắc mắc của các thí sinh, phụ huynh xung quanh việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng 2015 tại báo điện tử Dân trí. 

Trước nhiều câu hỏi của độc giả mấy cho rằng gần đây dư luận xã hội rất bức xúc về chính sách cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực trong xét tuyển ĐH,CĐ?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích, việc cộng điểm ưu tiên, đối tượng và khu vực  trong tuyển sinh ĐH,CĐ hiện nay là cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng ưu đãi xã hội và các vùng khó khăn.

“Về mức điểm ưu tiên hiện nay, chúng tôi tiếp nhận các ý kiến góp ý và sẽ xem xét tổng hợp để hoàn thiện chính sách ngày càng phù hợp hơn”- Bộ trưởng cho biết.

Cơ hội trúng tuyển sẽ cao? 

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh năm nay “có con xét tuyển vào đại học nhưng với cách đổi mới năm nay thấy rất lo lắng, bởi liên tục phải theo dõi thông tin từ phía các trường xem tình hình nộp hồ sơ thế nào, rất mệt mỏi”? 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: cách tuyển sinh của năm nay khác với cách tuyến sinh của các năm trước. Những năm trước tuyển sinh, học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường trước kỳ thi, khi chưa có thông tin về kết quả thi của mình cũng như tương quan của các học sinh khác nên việc đăng ký với tỷ lệ may rủi rất lớn.

Cũng theo Bộ trưởng Luận, năm nay, học sinh đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm và Bộ đã công bố các số liệu điểm của các khối thi cùng với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Như vậy, các cháu có đầy đủ thông tin để cân nhắc lựa chọn, thay đổi nguyện vọng để vào được trường mình có khả năng đỗ.

“Đây là một sự thay đổi lớn theo hướng tạo điều kiện cho các cháu chủ động tự cân nhắc quyết định trường mình lựa chọn. Việc làm này, thí sinh phải tự tìm hiểu và cập nhật thông tin từ các trường nên vất vả hơn nhưng ít rủi ro, cơ hội trúng tuyển cao hơn. Tránh trường hợp điểm cao mà trượt đại học”- Bộ trưởng Luận nói.

Cũng theo Bộ trưởng, để hỗ trợ học sinh trong cách xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các trường tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh để các học sinh và phụ huynh nắm rõ hơn quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, các nhà trường cũng có nhiều buổi tư vấn cho học sinh đăng ký vào trường.

Bộ giáo dục đã tạo điều kiện tối đa cho thí sinh

Trước câu hỏi phụ huynh cho rằng việc xét tuyển ĐH, CĐ quá nhiều rắc rối, mất nhiều thời gian, ngày nào tôi cũng cùng con phải canh điểm mà vẫn cứ lo đến mất ăn mất ngủ, trong khi con tôi điểm tương đối cao (23đ) vẫn có nguy cơ trượt ĐH mặc dù chỉ dám chọn trường ở tốp giữa. Trong khi năm ngoái các trường này chỉ cần 19-20 điểm.

Bộ trưởng cho rằng, mức điểm trúng tuyển hàng năm vào các trường có thay đổi phụ thuộc vào kết quả thi của các cháu đăng ký vào trường. Năm nay, việc cung cấp thông tin xét tuyển của các trường công khai, cập nhật liên tục để học sinh, phụ huynh có thông tin và phán đoán được khả năng trúng tuyển để giữ nguyên hoặc thay đổi nguyện vọng đăng ký.

Ông Luận nhấn mạnh thêm, việc này, phụ huynh và học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn và do vậy vất vả hơn năm trước. Nếu thí sinh không muốn vất vả thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển như năm trước là nộp thẳng hồ sơ xét tuyển vào trường, không theo dõi thông tin nữa và chờ trường thông báo kết quả. Bộ Giáo dục muốn các cháu chủ động cập nhật thông tin và cân nhắc lựa chọn để có quyết định phù hợp cho bản thân mình.

“Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Bộ tạo mọi điều kiện tối đa cho các cháu, đồng thời để rộng cửa cho các cháu có quyền quyết định  sử dụng cơ hội đó hay không”- Bộ trưởng khẳng định.

Xét tuyển NV1, NV2 thế nào cho tốt nhất?

Với thắc mắc của phụ huynh về  xử lý tình trạng hồ sơ ảo của các trường do thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng của một trường để không thiệt thòi cho các học sinh?

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng – Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh cho biết, theo quy chế tuyển sinh, ở đợt xét tuyển đầu tiên mỗi thí sinh có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng ở một trường ĐH,CĐ. Công tác xét tuyển (hỗ trợ của phần mềm) đảm bảo mỗi thí sinh sẽ nhận được kết quả tốt nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký.

Khi đã trúng tuyển vào một nguyện vọng thì thí sinh không được tham gia xét tuyển các nguyện vọng khác và các đợt khác. Đây là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng thí sinh ảo.

Về vấn đề xét tuyển nguyện vọng 2, Ông Trinh cho rằng, các trường chỉ xét tuyển các đợt bổ sung (đợt 2,3) khi chưa tuyển đủ chỉ tiêu sau khi kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên.

“Nếu cháu chưa đỗ ở đợt xét tuyển đầu tiên, cháu có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung của trường với lưu ý: Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt đầu tiên đối với ngành/nhóm ngành đó.

Để biết thông tin về xét tuyển bổ sung cháu cần phải theo dõi thông tin trên website của trường hoặc các phương tiện truyền thông”- Ông Trinh hướng dẫn.

 
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.