Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới thi cử, nâng cao vị thế nhà giáo

TP - Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về những nội dung, phần việc quan trọng trong năm học 2024-2025, cũng là năm “về đích”, chốt lại chặng đường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) với nhiều thử thách cho toàn ngành.

Tập dượt, tránh rủi ro thi Tốt nghiệp THPT

Năm học 2024-2025, Chương trình GDPT 2018 sẽ được triển khai ở các lớp cuối cấp và năm đầu tiên đổi mới kỳ thi tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên những giải pháp nào để triển khai nhiệm vụ năm học đặc biệt này, thưa Bộ trưởng?

Sau 4 năm học triển khai Chương trình GDPT 2018, năm học 2024-2025 sẽ hoàn tất chu trình với lớp cuối cùng của các cấp học, ngành sẽ tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới thi cử, nâng cao vị thế nhà giáo ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Xác định năm học sắp tới quan trọng, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị từng bước từ những năm học trước. Ví dụ, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được ban hành, Bộ GD&ĐT đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến quý IV/2024, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Quy chế thi, trong đó đảm bảo tính ổn định nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.

Năm học 2024-2025 sẽ hoàn tất chu trình triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp cuối cùng của các cấp học với chủ đề: “Đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng”.

Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho kỳ thi cần triển khai thử trên phạm vi đủ rộng để đánh giá trước khi áp dụng vào thực tế. Các sở GD&ĐT đã sẵn sàng phương án triển khai, tập dượt, tránh những rủi ro khi kỳ thi được triển khai chính thức.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới thi cử, nâng cao vị thế nhà giáo ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng)

Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm tới đây là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình GDPT 2018. Do đó, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị để ban hành hướng dẫn cho các địa phương thực hiện, với quan điểm chung là quy định về nguyên tắc, tạo khung để thống nhất trong quản lý, chỉ đạo trên toàn quốc; đồng thời phân cấp cho các địa phương tổ chức phù hợp với thực tế.

Chương trình GDPT mới được triển khai trên thực tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, giáo viên bỏ việc; thiếu trường lớp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng điều kiện dạy học. Trong bối cảnh như vậy, hiệu quả triển khai chương trình, thay sách giáo khoa ra sao?

Khi bắt đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, là thách thức về điều kiện triển khai, thiếu sự chủ động và quyết liệt, ở một số nơi vẫn còn có những bỡ ngỡ... tuy nhiên, nhìn lại 4 năm qua có thể thấy chương trình sắp khép lại một hành trình bằng những kết quả khả quan. Hiện giáo viên, học sinh đã bắt nhịp đổi mới; địa phương đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư và ưu tiên cho triển khai đổi mới; nền giáo dục đã và đang chuyển dịch theo đúng hướng đổi mới là chuyển từ trang bị kiến thức sang tăng cường trang bị phẩm chất, kỹ năng cho người học. Khép lại hành trình đầu tiên cũng là để mở ra hành trình tiếp theo với sự đổi mới đi vào chiều sâu và bền vững. Việc biên soạn, thẩm định SGK phổ thông đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng, gia tăng sự hỗ trợ đối với nhà giáo cũng như nỗ lực giảm giá sách trong năm học mới.

Về thiếu giáo viên, Bộ GD&DT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của T.Ư: Quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ những năm trước và giao bổ sung; Đề nghị các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội có các chính sách hỗ trợ phù hợp với đội ngũ giáo viên của địa phương.

Thu nhập thấp, đời sống nhà giáo khó khăn

Năm 2023, khi gặp gỡ, trao đổi với hơn 1 triệu giáo viên, Bộ trưởng đề cập nhiều chính sách, giải pháp để đảm bảo yêu cầu số lượng, chất lượng cũng như đời sống giáo viên. Đến nay, công việc này được triển khai như thế nào?

Trong những năm qua, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng tiền lương và thu nhập của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập vẫn còn thấp, đời sống giáo viên nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Thu nhập của giáo viên mầm non, giáo viên trẻ mới vào nghề, của nhân viên trường học vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu trang trải cuộc sống, chưa đủ để khiến cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và gắn bó với nghề.

Mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2024 đã được điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.8 triệu đồng đến 2.34 triệu đồng/tháng cũng sẽ giúp cải thiện phần nào thu nhập của đội ngũ nhà giáo khi bước vào năm học mới.

Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục công lập, làm căn cứ để thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm; nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo nghị định quy định về phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo, trong đó đề xuất với cấp có thẩm quyền tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, đưa đội ngũ nhân viên trường học vào nhóm được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề với mức phù hợp…

"Việc thực hiện chính sách tiền lương cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực quốc gia cũng như trong mối tương quan với các ngành nghề khác; rất cần có sự thấu hiểu, chia sẻ của các nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của toàn ngành", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên. Tiếp tục rà soát các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục công lập làm căn cứ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành phù hợp với thực tiễn, giúp nhà giáo tăng thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, đồng thời làm cơ sở xây dựng chính sách tiền lương mới khi Luật Nhà giáo được thông qua.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tiền lương cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực quốc gia cũng như trong mối tương quan với các ngành nghề khác; rất cần có sự thấu hiểu, chia sẻ của các nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của toàn ngành.

Chấn chỉnh bạo lực học đường, siết quản lý dạy thêm học thêm

Bộ GD&ĐT có những giải pháp nào để chấn chỉnh những vấn đề được dư luận quan tâm như bạo lực học đường, những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm thưa Bộ trưởng?
Bạo lực học đường là vấn đề gây bức xúc đối với dư luận và xã hội, cần phải được xử lý để đảm bảo môi trường học tập, rèn luyện tốt cho người học. Bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải quyết các vấn đề trước mắt, Bộ GD&ĐT tiếp tục tập trung các giải pháp lâu dài như: giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho học sinh; xây dựng văn hóa học đường; tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ phòng, chống bạo lực học đường, kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường, …

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới thi cử, nâng cao vị thế nhà giáo ảnh 3

Sau 4 năm học triển khai Chương trình GDPT 2018, năm học 2024-2025 sẽ hoàn tất chu trình với lớp cuối cùng của các cấp học.

Về vấn đề dạy thêm, học thêm, tháng 8 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư nhận được nhiều ý kiến đóng góp để tiếp thu, hoàn thiện và có thể ban hành với mục tiêu quản lý tốt hoạt động này, khắc phục những hiện tượng tiêu cực mà dư luận đang băn khoăn, lo lắng.

Từ góc độ quản lý, Bộ GD&ĐT đã tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm. Đối với từng sự việc cụ thể, tuỳ theo tính chất, mức độ, đơn vị có các chỉ đạo kịp thời để cùng địa phương chấn chỉnh, xử lý. Cũng cần nói thêm rằng, để giải quyết những hiện tượng nêu trên, bên cạnh nỗ lực của ngành Giáo dục, chúng tôi cũng rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của các ngành, các cấp; sự đồng hành, chia sẻ, phối hợp của các bậc phụ huynh và toàn xã hội.

Ngày mai, học sinh cả nước khai giảng năm học mới. Bộ trưởng có nhắn nhủ gì tới đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh?

Trước thềm năm học mới, Ngành GD&ĐT bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng các bộ ngành, địa phương trong cả nước đã quan tâm, chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ; cảm ơn quý vị phụ huynh, toàn thể xã hội luôn quan tâm ngành GD&ĐT.

Tôi ghi nhận và biểu dương những sự cố gắng của toàn thể các nhà giáo, các cán bộ quản lý, nhân viên trường học, học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua. Năm học mới nhiệm vụ rất lớn, thử thách còn nhiều ở phía trước, mong các thầy cô giáo và các em học sinh tiếp tục nỗ lực vươn lên, không ngừng đổi mới, phát huy sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Tôi kính chúc toàn thể các nhà giáo luôn mạnh khoẻ, thêm yêu nghề và hạnh phúc với nghề. Chúc các em học sinh, sinh viên phấn đấu vươn lên phát triển bản thân, có nhiều niềm vui trong học tập.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, năm học 2024-2025, số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023-2024 tăng thêm gần 20.000 người (năm ngoái thiếu 113.000), nguyên nhân là do số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng. Bên cạnh đó, cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa. Tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, mới chỉ đạt 50,6%.

Tin liên quan