Chỉ đạo trên được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Cụ thể, ông Dung nhận định, tình hình căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran có thể dẫn đến xung đột vũ trang tại khu vực Trung Đông. Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước phải tiếp tục theo dõi sát tình hình, chỉ đạo các doanh nghiệp phái cử lao động khẩn trương có biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn cho người lao động Việt Nam, sẵn sàng phương án sơ tán khi diễn biến xấu.
Các doanh nghiệp phái cử lao động Việt Nam phải cử người theo dõi, lập danh sách đầu mối liên hệ, đường dây nóng, email để theo dõi diễn biến tình hình khu vực; đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao để thông tin kịp thời. Bộ LĐ-TB&XH cũng thông báo tạm dừng đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại khu vực Trung Đông.
Về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2020, ông Dung đặt mục tiêu cho Cục Quản lý lao động ngoài nước đưa được 130.000 lao động. Trong đó, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, tình hình ổn định.
Riêng với thị trường châu Âu, cần hạn chế đưa người lao động sang làm việc trong lĩnh vực xây dựng, khuyến khích người lao động vào làm việc trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, nhà máy; tăng cường công tác hậu kiểm gắn với thanh kiểm tra, xử lý phát sinh liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2019, đã đưa được 152.530 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt hơn 27% so với kế hoạch. Đây là năm thứ 4 liên tiếp vượt mốc 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài/năm.
Trong đó, đưa ra thị trường Nhật Bản 82.703 lao động, Đài Loan: 54.480 lao động, Hàn Quốc: 7.215 lao động, Rumania: 3.478 lao động, Ả rập Xê út: 1.375 lao động…
Trong năm qua, qua công tác thanh kiểm tra, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã xử phạt 21 doanh nghiệp, thu hồi giấy phép của 2 doanh nghiệp phái cử lao động.
Hiện tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 650.000 người, tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.