Sáng nay (20/9), tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam, phiên thảo luận về kinh tế Việt Nam trước thềm hội nhập diễn ra khá sôi nổi. Đặc biệt, phiên thảo luận gần như biến thành đối đáp công khai về quan điểm giữa lãnh đạo DN, chuyên gia và Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Xen lẫn phát biểu của các diễn giả là những tràng pháo tay hưởng ứng từ dưới hội trường, với gần 700 nhà đầu tư tới từ 35 quốc gia trên thế giới.
Thậm chí, khi kết thúc phiên thảo luận, ông Tony Shela - Tổng Giám đốc phụ trách châu Á của Euromoney (người điều hành) đã phải kết luận rằng: Những tranh luận thẳng thắn giữa của Bộ trưởng Vinh với các diễn giả là minh chứng rõ nhất cho một Việt Nam cởi mở, thẳng thắn trao đổi với cộng đồng DN.
Ban đầu, buổi thảo luận cũng diễn ra rất nhẹ nhàng, với những nhận xét tốt đẹp về một Việt Nam trên đường phát triển của các diễn giả, với những minh chứng về số liệu tăng trưởng GDP, lạm phát, thu hút vốn đầu tư… Để có được những điều đó là nhờ các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực của DN.
Tuy nhiên, cùng với đó là những khó khăn của kinh tế trong nước, tác động của thế giới, giá dầu thô, kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt là những thuận lợi, khó khăn với kinh tế đất nước, cộng đồng DN khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA), TPP…
Cuộc thảo luận trở nên sôi động khi một lãnh đạo tập đoàn trong nước phát biểu rằng, ông rất lo lắng khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng quá lớn, lấy mất cơ hội của DN trong nước. Trong khi đó, các DN trong nước nhỏ, yếu. Do đó, ông mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ, bảo hộ với DN trong nước.
Đặc biệt, theo vị lãnh đạo tập đoàn này, trong khi DN trong nước hoạt động minh bạch, đóng thuế đầy đủ, thì DN FDI lại trốn thuế. Do đó, ông cho rằng nếu Việt Nam không kiểm soát được DN FDI thì không nên mở rộng cửa cho họ vào. Đặc biệt, vị này dẫn trường hợp của Cocacola, dù lỗ vẫn mở rộng đầu tư.
Lập luận này lập tức bị Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phản bác. Theo ông Vinh, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển DN trong nước. Về vấn đề chuyển giá, ông cho rằng đó là vấn đề toàn cầu. Với trường hợp của Coca-Cola, ông Vinh tỏ ra không đồng tình với nhận định trên, vì không có bằng chứng nói họ trốn thuế, chuyển giá.
Ông Vinh cho biết, đã làm việc với Chủ tịch Coca-Cola vài lần, cả ở Mỹ và Việt Nam. Sau các buổi gặp, lãnh đạo DN này cam kết sẽ điều chỉnh chính sách để chứng minh họ hoạt động tại Việt Nam là minh bạch. Và thực tế, từ tháng 7 vừa qua, Coca-Cola đã khai báo cáo lãi. Đồng thời, lãnh đạo tập đoàn này cũng tuyên bố, từ nay Coca-Cola Việt Nam sẽ có lãi.
Theo ông Vinh, DN trong nước còn yếu, thiếu năng động, dù DN FDI cũng muốn liên kết để nội địa hóa, nhưng các DN Việt không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, người đứng đầu ngành Kế hoạch đầu tư cho rằng, không những không đóng cửa, còn phải mở rộng để DN FDI tạo cạnh tranh, để DN trong nước phải đổi mới, phát triển. Không thể để lặp lại như thời bao cấp chúng ta đóng cửa với thế giới, dẫn tới đất nước tụt hậu.
Trong cuộc chơi hội nhập, theo ông Vinh, sẽ có người chiến thắng, cũng có người bị loại khỏi cuộc chơi. Điều đó phải chấp nhận.