Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết, Đề án tăng cường quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 (Đề án hạn chế xe cá nhân) sẽ được xem xét, thảo luận tại kỳ họp HĐND thành phố vào đầu tháng 7 tới. Cuối tuần qua, Ủy ban MTTQ đã tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết. Trong bản tập hợp ý kiến của Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, hầu hết đều thống nhất chủ trương, cấm xe máy để phát triển vận tải công cộng (VTCC) nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường… là cần thiết, hướng đến một đô thị văn minh.
Tuy nhiên nhiều ý kiến băn khoăn cơ sở pháp lý về việc thu hồi xe máy cũ nát, cấm ô tô hoạt động theo giờ từ 2020 và dừng hoạt động của xe máy tại nội thành từ 2030. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định quy định thu hồi sản phẩm thải bỏ. Theo đó, từ 1/1/2018, mô tô, xe gắn máy các loại, sẽ bị cấm lưu hành nếu không bảo đảm về tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải môi trường…
GS.TS Nguyễn Viết Trung (Trường ĐH GTVT) cho rằng, việc cấm xe máy là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình dài để thành phố và người dân có sự chuẩn bị. Đóng góp về giải pháp, ông Tô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho biết, nhóm giải pháp đầu tiên cần phải thực hiện là hạn chế bớt nhu cầu đi lại bằng cách phân bố dân cư hợp lý, không để tập trung quá đông vào khu vực nội đô. Tiếp đến mới tính đến hạn chế hoặc cấm một số loại phương tiện.
Kiểm soát lượng xe máy cũ
Ủng hộ chủ trương bỏ xe máy nhưng bà Trần Thị Kim Đăng (ĐH GTVT) nhận định, việc này rất khó làm. Về lý thuyết, cấm xe máy phải có giao thông công cộng thay thế chứ không thể để người dân bỏ xe máy nhưng không biết đi lại bằng gì.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 22/6, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận các ý kiến phản biện, đề án đã điều chỉnh lại một số nội dung cho phù hợp. Cụ thể, với giai đoạn 2017 - 2020, chưa đưa nhóm cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố, thay vào đó sẽ sửa đổi bổ sung Quyết định số 06 về quy định thời gian hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố. Giai đoạn 2017 – 2020, với nội dung đề xuất thu hồi, tiêu hủy xe máy cũ nát, hết niên hạn sử dụng và không đảm bảo an toàn kỹ thuật được điều chỉnh lại: “Điều tra, rà soát số lượng xe máy đã qua sử dụng theo năm sản xuất để đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng, an toàn; đề xuất quy định về tiêu chuẩn khí thải nhằm kiểm soát xe máy hoạt động trên địa bàn. Giai đoạn 2017 – 2030, chưa đưa nội dung quy định niên hạn với ô tô đến 9 chỗ; với nội dung dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030, được điều chỉnh lại: “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTCC, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, để thực hiện lộ trình dừng hoạt động xe máy vào năm 2030, thành phố đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phục vụ, đáp ứng cao nhất nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó ưu tiên, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng khả năng kết nối, tiếp cận VTCC, phát triển các không gian đi bộ...
“Từ nay đến năm 2030 còn 13 năm nữa, quỹ thời gian vừa đủ và cần thiết để phát triển, hoàn thiện hệ thống VTCC của một đô thị hiện đại. Lúc đó người dân có đủ các loại hình VTCC để lựa chọn, cũng như có đủ thời gian để thay đổi thói quen chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng”.
Ông Vũ Văn Viện