Công văn nêu nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của 11 tỉnh, thành phố lưu vực sông, trong đó có việc cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người. Vì vậy, dự án cần xem xét kỹ lưỡng các tác động môi trường và tham vấn các tỉnh ở hạ lưu sông là TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Công văn cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo cụ thể tình hình triển khai dự án, đặc biệt là công tác quản lý Nhà nước về TN&MT.
“Cá nhân tôi kiến nghị Đồng Nai nên tạm dừng dự án lại. Đừng đổ thêm đất đá xuống sông Đồng Nai, đừng vội bê tông hóa”.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam
Tại cuộc họp báo chiều qua, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cho biết, Bộ đã cử một đoàn công tác vào Đồng Nai để thị sát đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường, đất đai thu thập, rà soát, thẩm tra tác động của dự án với đời sống kinh tế xã hội và môi trường. Kết quả sẽ báo cáo lên Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai các cơ quan liên quan và báo đài.
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, cho hay, dự án này có hơn 90% diện tích nằm trên sông Đồng Nai, phần còn lại cũng nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Vì vậy, dự án này phải chịu sự chi phối của Luật Tài nguyên nước. “Những vấn đề như thoát lũ, sự lưu thông dòng chảy phải được xem xét tính toán trên phạm vi sông Đồng Nai chứ không chỉ ở khu vực thực hiện dự án”, ông Bẩy nói.
Đừng để phải hối tiếc về sau
Ngày 27/3, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) đã có chuyến khảo sát khu vực sông Đồng Nai đoạn đang thực hiện dự án lấn sông và khu vực lân cận tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Trao đổi với PV Tiền Phong, Tiến sĩ Long cho biết: Qua thực tế tôi có thể nhận xét công trình có tác động rộng lớn hơn so với báo cáo tác động môi trường và so với tưởng tượng của mình. Tôi rất ngạc nhiên, hai bên bờ sông Đồng Nai là những cảnh quan tự nhiên với những hàng cây có từ cả trăm năm, đó là một bức tranh rất đẹp.
Vấn đề chủ trương của tỉnh Đồng Nai là cải tạo cảnh quan bờ sông thì không nhất thiết phải bê tông hóa, mà chỉ nên tạo thêm các mảng xanh, trồng cây bản địa là giữ được mảng xanh đô thị. Nếu chính quyền có ý định gìn giữ môi trường TP Biên Hòa thì không nhất thiết phải xây dựng công trình lấn sông như vậy. Tên của dự án này là “cải tạo cảnh quan môi trường đô thị”, nhưng thực tế đây là công trình lấn sông. Toàn bộ công trình đều nằm trên mặt sông. “Đồng Nai cần có sự đối thoại với các nhà khoa học để có cái nhìn thấu đáo hơn. Cũng như cần có sự tham vấn với Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Ủy ban sông Đồng Nai. Cần có sự trao đổi mở rộng với cộng đồng… Để sau này không phải hối tiếc”, ông nói.
Ảnh hưởng xấu tới chất lượng nước sạch của TPHCM
Là thành viên thuộc Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhưng UBND TPHCM chỉ biết vụ việc lấn sông Đồng Nai qua báo chí. Ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND TPHCM cho biết, tại buổi họp báo thường kỳ ngày 27/3. Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Luận nói UBND TPHCM đang tập trung theo dõi, nghiên cứu và có ý kiến chính thức khi cần thiết.
Ông Luận cũng cho biết, UBND TPHCM vừa nhận được báo cáo của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) về ảnh hưởng của dự án đến việc cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân TPHCM. Theo báo cáo của Sawaco, nguồn cung cấp nước chính để xử lý thành nước sạch là từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, trong đó sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước chủ lực của nhiều nhà máy nước ở TPHCM. Nguồn nước thô lấy từ sông Đồng Nai chiếm trên 68% tổng sản lượng nước cung cấp. Các trạm bơm nước thô để truyền tải về cụm xử lý nước sạch của các nhà máy nước đều tọa lạc tại các vị trí dọc theo sông Đồng Nai và gần với khu vực dự án “Phố trên sông”.
Đáng lưu ý, chất lượng nước hiện nay trên sông Đồng Nai đang ngày càng bị suy giảm nên việc xây dựng dự án “Phố trên sông” cũng sẽ tác động lên môi trường khiến cho chất lượng nước trở nên xấu đi, gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn cấp nước của Sawaco.