Dự án lấn sông Đồng Nai: Phớt lờ nhiều chỉ đạo

Công trường dự án lấn sông của Cty Toàn Thịnh Phát. Ảnh: Đ.M
Công trường dự án lấn sông của Cty Toàn Thịnh Phát. Ảnh: Đ.M
TP - Việc cấp phép cho Cty Toàn Thịnh Phát thực hiện dự án kè lấn sông Đồng Nai, Tỉnh ủy Đồng Nai đã giao cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan hoàn thiện các hồ sơ cần thiết để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, bước thực hiện này đã bị bỏ qua.  

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, từ tháng 9/2011 trong công văn 666-CV/VPTU, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo “xin ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành liên quan” về dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông”. Nhưng đến nay, các bộ, ngành liên quan đều không biết về dự án kè lấn sông Đồng Nai này. Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TNMT Đồng Nai bảo lưu quan điểm rằng quy mô dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh Đồng Nai, đồng thời khẳng định: “Không có quy định nào về việc phải xin ý kiến của Bộ TNMT hay tham vấn Ủy ban sông Đồng Nai…”.

Trong dự án lấn sông Đồng Nai, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh này giới thiệu địa điểm cho Cty Toàn Thịnh Phát hơn 8,4 hécta đất. Nhưng tréo ngoe khi thực tế dự án này có đến 7,2 hécta là mặt nước sông Đồng Nai. Vấn đề này theo ông Lê Viết Hưng dự án nằm trong quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh và thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cấp phép. “Ngoại trừ chuyển đổi đất lúa trên 10 hécta phải xin ý kiến Chính phủ”- ông Hưng nói. Người này cho rằng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là chuyển từ mặt nước sang đất đô thị thì do tỉnh quyết định.

Trước lo ngại của dư luận về việc lấn sông sẽ làm biến đổi dòng chảy, làm mất khả năng tiêu thoát lũ, ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng “không có ảnh hưởng gì”. Theo ông đánh giá tác động môi trường vào năm 2009 thì việc xây dựng cách 50m, 70m, 100m tại đoạn sông mở rộng trên 800m không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực?! Theo ông Minh, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã tính đến khả năng xấu nhất của việc thoát lũ. Đến nay thì càng an toàn hơn bởi đã có các bậc thang thủy điện điều tiết lũ. 

Trong một động thái khác, trước khi thực hiện dự án, Cty Toàn Thịnh Phát đã tham vấn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và nhận được đề nghị: “Cần phân tích sâu hơn các tác động tích cực cũng như tiêu cực của dự án. Dự án khi triển khai cần phải mang tính cộng đồng, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, cần lấy ý kiến của nhân dân nơi xây dựng dự án, dự án phải đảm bảo cho dân được hưởng thụ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội”.

Nhưng thực tế, mọi đề nghị bị phớt lờ. Việc tổ chức lấy ý kiến trong cộng đồng dân cư tại địa phương về dự án này chỉ có Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương và đại diện trưởng khu phố chứ không có một người dân nào được tham gia. Nhanh chóng, phương án quy hoạch dự án đã được thống nhất thông qua mà dân không hề hay biết.

Trong khi đó, sau khi đã khảo sát thực tế và làm việc với Sở NN& PTNT Đồng Nai về dự án lấn sông Đồng Nai, PGS-TS Lê Mạnh Hùng- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, khu vực thực hiện dự án có hai nhánh sông nhỏ, chứng tỏ dòng chảy ở khu vực này khá phức tạp. “Vì thế những lập luận của Đồng Nai khi cho rằng đoạn sông này rộng thì lấp ra một ít cũng không ảnh hưởng là rất nguy hiểm”- ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, dòng sông bên lở bên bồi là quy luật tự nhiên và bất cứ tác động nào cũng có sự ảnh hưởng nhất định đến dòng chảy. Còn ở đây, tài liệu đánh giá tác động dòng chảy ở dự án nêu công trình tác động đến dòng chảy không lớn chứ không phải không có.

“Ngay khi xác định dự án không tác động đến khu vực lân cận thì cũng không có nghĩa là không tác động đến những khu vực khác xa hơn”- ông Hùng nói và đề nghị nếu Đồng Nai chỉ dựa vào các căn cứ này để lấp sông là chưa ổn. “Những tác động của việc lấp sông không xảy ra trước mắt mà có khi hai ba chục năm sau mới rõ. Khi đó, nếu gây ra tác động xấu, ảnh hưởng đến các cầu, đường quan trọng ở hạ lưu thì ai chịu trách nhiệm về sai lầm này?”- ông Hùng băn khoăn.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, từ tháng 9/2011 trong công văn 666-CV/VPTU, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo “xin ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành liên quan” về dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông”. Nhưng đến nay các bộ, ngành liên quan đều không biết về dự án kè lấn sông Đồng Nai này.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.