Lấn sông Đồng Nai: Tỉnh nói phù hợp, VRN đề nghị rút dự án

Công trình lấn sông của Cty Toàn Thịnh Phát.
Công trình lấn sông của Cty Toàn Thịnh Phát.
TP - Ngày 24/3, UBND  tỉnh Đồng Nai đã lên tiếng về vụ “lấn sông Đồng Nai” đang được báo chí phản ánh và dư luận quan tâm theo dõi. Trong khi đó, tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đề nghị tỉnh này rút lại dự án.

Thông cáo báo chí do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí ký ban hành chiều  24/3 khẳng định, toàn bộ khu vực ven sông (từ trụ sở GD&ĐT đến đình Phước Lư thuộc phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa) nằm trong diện quy hoạch giải tỏa để thực hiện dự án cảnh quan ven sông Đồng Nai theo quy hoạch được duyệt năm 1997.

Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều vướng mắc về vốn và ảnh hưởng cuộc sống người dân do phải giải tỏa nhiều. Trước tình hình đó, năm 1997, tỉnh Đồng Nai đã mời các nhà khoa học nghiên cứu đánh giá tác động của phương án này. Qua đó, các cơ quan nghiên cứu kết luận việc xây dựng kè cách 50m, 75m, 100m tại vị trí đoạn sông mở rộng trên 800m ăn sâu vào bờ không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy và tác động đến các bờ lân cận.

Việc Cty Toàn Thịnh Phát đăng ký thực hiện dự án (vào năm 2011) là căn cứ theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (năm 2009), không phải là dự án do Cty đề xuất. Việc UBND tỉnh thỏa thuận cho Cty Toàn Thịnh Phát thực hiện dự án theo UBND tỉnh, là đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền theo quy định. Đến nay, dự án thực hiện đầy đủ thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt báo  cáo đánh giá tác động môi trường, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và đang thực hiện đúng tiến độ được duyệt.

Đề nghị rút lại dự án

Trước đó, ngày 23/3, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) ra thông cáo  về dự án lấn sông Đồng Nai. Theo đó, VRN lo ngại dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai” sẽ có những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai. Dự án cũng sẽ đặt tiền lệ xấu cho những vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ và dòng chảy của các con sông của Việt Nam.

Dự án thực chất là một công trình lấn sông, lấn chiếm bờ sông khi tổng diện tích của dự án lên đến 8,4 ha, trong đó đã chiếm 7,72 ha vùng đất ngập nước ven sông và mặt nước sông.

VRN cho rằng, mặc dù dự án được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch và chấp thuận đầu tư dưới một hình thức công trình cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị nhưng thực chất đây là một hoạt động xây dựng lấn chiếm và tạo nên hạ tầng lớn cản trở dòng chảy, nắn dòng sông, chiếm mặt nước tự nhiên trên sông. Hậu quả sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nước, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ, gây xói lở bờ sông. Sông Đồng Nai là sông liên tỉnh, việc xây dựng hạ tầng lớn ở lòng sông sẽ có những tác động xấu đến các môi trường và sức khỏe của các hệ sinh thái sông của toàn bộ lưu vực, ảnh hưởng đến các địa phương khác cùng chia sẻ dòng sông, trong đó có TPHCM.

Theo VRN, Hệ thống sông Đồng Nai là nơi hội tụ đa ngành, nhiều lĩnh vực, tập trung đông các hộ dùng nước, đặc biệt là khu vực hạ lưu. Các công trình thủy điện cũng như sự phát triển các khu công nghiệp và đô thị ven sông Đồng Nai như hiện nay đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và xã hội trong lưu vực. Việc tiếp tục xây dựng và phát triển ồ ạt các cụm công nghiệp, nha máy ven sông hay các công trình đô thị sẽ tiếp tục đẩy con sông Đồng Nai vào tình trạng tồi tệ hơn về môi trường, sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của cả lưu vực.

Dự án thực chất là một công trình lấn sông, lấn chiếm bờ sông khi tổng diện tích của dự án lên đến 8,4 ha, trong đó đã chiếm 7,72 ha vùng đất ngập nước ven sông và mặt nước sông. Chính vì vậy chính quyền các cấp cần xem xét lại vấn đề tuân thủ Luật Tài nguyên Nước, Luật Bảo vệ Môi trường và nhiều quy định khác liên quan đến quản lý đất ngập nước, tham vấn sâu rộng ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ dự án. Đồng thời, dự án cũng cần tham vấn ý kiến của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Các ủy ban lưu vực sông, UBND các tỉnh đang sử dụng chung tài nguyên nước trong lưu vực sông Đồng Nai.

VRN đề nghị UBND Tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án“Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” và đề nghị Cty CP đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát, dừng mọi hoạt động xây dựng cho đến khi các nghiên cứu về tác động được thực hiện một cách thấu đáo và có tham vấn rộng rãi ý kiến của đầy đủ các bên liên quan.

MỚI - NÓNG