Bộ Tài nguyên cho Sóc Trăng cấp phép khai thác cát biển không giới hạn phạm vi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm, cát biển dùng san lấp là vật liệu xây dựng thông thường do địa phương cấp phép khai thác, không bị ràng buộc bởi quy định vùng biển phân cấp cho địa phương quản lý.

Ngày 13/6, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa nhận được Công văn 3766 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hướng dẫn về quản lý, cấp phép khai thác cát biển phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội. Văn bản này để trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng trước đó về khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quản lý, cấp phép khai thác cát biển cho các dự án trọng điểm, và chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Tài nguyên cho Sóc Trăng cấp phép khai thác cát biển không giới hạn phạm vi ảnh 1

Vùng biển Sóc Trăng dự kiến sẽ khai thác cát để san lấp nền các dự án trọng điểm theo cơ chế đặc thù (Ảnh: Nhật Huy).

Bộ TN&MT cho rằng, về thẩm quyền cấp phép khai thác cát biển: Cát biển dùng san lấp mặt bằng là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, thuộc thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác của UBND cấp tỉnh (theo Điều 82 Luật Khoáng sản); không phụ thuộc phạm vi trong hay ngoài 6 hải lý tính từ bờ biển.

Như vậy, địa phương được cấp phép thăm dò, khai thác cát biển để san lấp mặt bằng cả trong và ngoài phạm vi vùng biển được phân cấp cho địa phương trực tiếp quản lý. Hiện vùng biển 6 hải lý (tương đương hơn 11,1km) tính từ bờ đất liền ra được phân cấp cho địa phương quản lý.

Về giao khu vực biển để khai thác cát, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) đã có hướng dẫn vào tháng 5 vừa qua gửi UBND tỉnh Sóc Trăng, trong đó làm rõ thành phần hồ sơ đề nghị và các nội dung liên quan.

Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng căn cứ các nội dung trên để xem xét, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan nghiên cứu, sớm triển khai thực hiện, đáp ứng tiến độ cung cấp cát cho các dự án trọng điểm.

Mới đây, ngày 11/6, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận đã làm việc về cấp phép khai thác cát biển phục vụ san lấp dự án giao thông trọng điểm. Ban QLDA Mỹ Thuận dự kiến có thể dùng cát biển khai thác tại Sóc Trăng để san lấp nền đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Tổng nhu cầu cát biển khoảng 6 triệu m3. Dù vậy, tới nay nhà thầu vẫn chưa được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp bản xác nhận, nên chưa thể khai thác cát biển.

Lý giải cho việc chậm cấp phép khai thác cát biển, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết, do còn một số vướng mắc về thẩm quyền cần hướng dẫn, làm rõ, nên chờ ý kiến từ Chính phủ và Bộ TN&MT.

Một trong các vướng mắc chính là thẩm quyền quản lý vùng biển, khi địa phương chỉ quản lý vùng biển trong phạm vi 6 hải lý tính từ bờ. Trong khi, khu vực mỏ cát biển dự kiến khai thác (mỏ B1) lại nằm cách đất liền hơn 20 km (tương đương khoảng 11 hải lý), nằm ngoài thẩm quyền của tỉnh Sóc Trăng.

MỚI - NÓNG