Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trên diễn đàn Quốc hội đã khẳng định, cân đối ngân sách Nhà nước là vấn đề lớn nhất trong bảo đảm an ninh an toàn tài chính quốc gia, phản ánh chất lượng nền kinh tế cũng như cân đối kinh tế vĩ mô, là yếu tố quan trọng đánh giá tín nhiệm quốc gia. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi vừa phải nghiêm khắc, vừa khéo léo.
Những áp lực đang “bào mòn” túi tiền ngân sách
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2020 được triển khai thực hiện trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Trong đó, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân; kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế và các khoản thu ngân sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân dẫn đến thu nội địa giảm. Cùng với đó, các nguồn thu từ dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước... đều không đạt như dự toán do tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn thì áp lực chi ngân sách lại vô cùng nặng nề khi phải thực hiện cùng lúc hai mục tiêu là khống chế dịch bệnh và ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 10/2020, ngân sách Nhà nước đã giảm thu khoảng 99,3 nghìn tỷ đồng, ước cả năm giảm thu 110 nghìn tỷ đồng qua các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt khó khăn do dịch bệnh. Ngân sách Nhà nước cũng đã chi 12,69 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 12,79 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP. Đồng thời, chi 5,1 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách chế độ cho công tác phòng, chống dịch…
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2020 ước tính đạt 1.186,3 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 1.001,5 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; thu từ dầu thô 30,5 nghìn tỷ đồng, bằng 86,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 153,5 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% dự toán.
Với những khó khăn nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến năm 2020, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt thu khoảng 189,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,5% so với dự toán và 14,7% so với thực hiện năm 2019. Trong khi ước thực hiện tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán.
Cũng lường trước những dư chấn kéo dài, Bộ Tài chính đã xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 với những con số tương đối “khiêm tốn”. Trong đó, tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2021 dự toán là 1.343.330 tỷ đồng; tổng số chi là 1.687.000 tỷ đồng, đều thấp hơn dự toán năm 2020.
Trong khi đó, dự toán về nợ công và bội chi năm 2021 lại tăng khá nhiều. Cụ thể, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2021 được dự kiến là 343.670 tỷ đồng, khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 5% GDP chưa điều chỉnh). Dự kiến nợ công đến hết năm 2021 bằng 46,1% GDP điều chỉnh (tương ứng 58,6% GDP chưa điều chỉnh), nợ Chính phủ 41,9% GDP điều chỉnh (tương ứng 53,2% GDP chưa điều chỉnh).
Theo lãnh đạo Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, trong năm 2021 ngân sách Nhà nước sẽ phải chi nhiều hơn để tiếp tục phòng dịch, bảo đảm an sinh xã hội và để có nguồn chi cho đầu tư phát triển góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. “Đây là bước chấp nhận tăng nợ công để phục hồi kinh tế. Nền kinh tế qua cơn đại dịch cần thuốc để trợ lực để phục hồi, vì thế cần đảm bảo chi đầu tư công, chi an sinh xã hội và vẫn phải bảo đảm chi trả nợ” - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính Nguyễn Minh Tân cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2020
Giải bài toán cân đối ngân sách Nhà nước: Khéo co thì ấm!
Trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách khó khăn, nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh thì bài toán thu - chi ngân sách Nhà nước trong thời gian tới là vô cùng gian nan.
Theo đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, trong những năm qua, nhiều giải pháp quan trọng nhằm triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên đã được ban hành, trong đó tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ khâu lập dự toán ngân sách Nhà nước (rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài; mở rộng việc thực hiện khoán xe công,...), chỉ ban hành mới cơ chế, chính sách chi ngân sách Nhà nước khi có nguồn tài chính đảm bảo... Nhờ vậy, tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm từ mức 64,9% tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020. Đây là nền tảng tạo dư địa chính sách tài khóa để nước ta ứng phó khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, năm 2020, trước bối cảnh thu ngân sách Nhà nước sụt giảm mạnh (dự kiến giảm 189 nghìn tỷ đồng so với dự toán), cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, yêu cầu triệt để tiết kiệm chi thường xuyên càng trở nên cấp thiết.
“Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã đề xuất, trình Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (trừ một số đối tượng cụ thể) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên chưa cấp thiết còn lại năm 2020; trình Quốc hội lùi thời hạn tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang nhân dân để chia sẻ khó khăn với Nhà nước và nhân dân. Qua đó, ước tổng kinh phí tiết kiệm đạt khoảng 14,7 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách, kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi không đủ điều kiện; những khoản chi thường xuyên đã được giao trong dự toán đầu năm, nhưng chậm phân bổ hoặc không phân bổ không đúng nhiệm vụ dự toán bị cắt giảm...” - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước Nguyễn Minh Tân thông tin.
Đặc biệt, Chính phủ đang thực hiện hàng loạt các giải pháp tài khóa quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội, như: miễn giảm, giãn thuế và tiền thuê đất, giảm mức thu phí, lệ phí trong nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi đại dịch; tăng chi ngân sách cho công tác phòng chống đại dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của dịch bệnh…
Cùng với các giải pháp về tiền tệ và chính sách kinh tế khác, các giải pháp về tài khóa đã góp phần kiểm soát được dịch bệnh, đưa hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội nước ta dần trở lại trạng thái bình thường mới và là một trong những điểm sáng của khu vực và thế giới, khi có mức tăng trưởng dương (2,12%), trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới suy giảm nghiêm trọng, tăng trưởng âm. Đó cũng là một cơ sở vững chắc để chúng ta có thể củng cố ngân sách, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Chuyên gia kinh tế):
Thu - chi bền vững tạo nguồn tích lũy cho chi đầu tư phát triển
Ở chiều ngược lại, theo các chuyên gia kinh tế, những khó khăn do dịch Covid-19 đem lại cũng là bài học, là thử thách để chúng ta “chèo lái con thuyền ngân sách” trong tương lai. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng chúng ta cần phải giải bài toán về thu - chi ngân sách một cách bền vững nhằm tạo nguồn tích lũy cho chi đầu tư phát triển.
Theo đó, về cân đối nguồn thu, cần gia tăng những nguồn thu bền vững, nhất là thu từ sản xuất - kinh doanh; giảm thiểu các nguồn thu phập phù như thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu... Đây là một trong những bài toán không hề dễ dàng, nó đòi hỏi phải tái cấu trúc hệ thống thuế và hướng tới những đối tượng thu ổn định và công bằng, qua đó thực hiện chính sách kiến tạo lại môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ chi ngân sách, phải đảm bảo không được gia tăng trên tinh thần chung là phải cải cách tư duy của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước không phải là nhà đầu tư lớn mà Nhà nước cần phải là một nhà quản trị vĩ mô. Đồng thời, cẩn phải giảm thiểu bộ máy, tinh gọn hiệu quả, để giảm chi thường xuyên, từ đó mới đảm bảo tính bền vững.
“Chạy nước rút” hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2020
Tại Chỉ thị số 05/CT-BTC về việc tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước trong những tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý thu - chi ngân sách, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2020.
Trong đó, về thu ngân sách, tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thuế, phí và lệ phí đã ban hành nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc thủ tục hành chính thuế cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước theo quy định; các khoản thu từ đất, tài nguyên, khoáng sản, thu từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet, thu từ các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án phát sinh mới...
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhắc lại yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí có được từ cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (không kể lương và các khoản có tính lương) để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước và chi cho mục tiêu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh theo đúng quy định.