Nghi vấn Tenma hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng: Chưa thể kết luận có hay không

Trụ sở công ty Tenma Việt Nam.
Trụ sở công ty Tenma Việt Nam.
TP - Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nghi án Cty TNHH Tenma Việt Nam (công ty 100% vốn đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam) hối lộ một số cán bộ, công chức Việt Nam 25 triệu Yên (khoảng 5,4 tỷ đồng). Theo kết luận thanh tra, chưa thể kết luận có hay không việc hối lộ.

Theo Bộ Tài chính, từ 15/5, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã cho thanh tra toàn diện hai đơn vị là Cục Thuế và cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh. Bộ cũng chỉ đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tạm đình chỉ công tác đối với 6 công chức Hải quan Bắc Ninh, 5 công chức Thuế Bắc Ninh liên quan vụ việc.

Ngày 14/8/2020, Thanh tra Bộ đã ban hành kết luận thanh tra đối với Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh. Kết luận cũng đã được gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ.

 Kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính cho thấy, việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Tenma của đoàn kiểm tra Hải quan tỉnh Bắc Ninh có một số tồn tại như: Chưa tổng hợp đầy đủ nội dung kiểm tra, có ngày làm việc nhưng không ghi nội dung làm việc cụ thể, không tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm của cuộc kiểm tra.

“Tenma Việt Nam có hối lộ Đoàn kiểm tra sau thông quan và Đoàn kiểm tra Thuế hay không, Thanh tra Bộ Tài chính đã phối hợp với C03 - Bộ Công an để làm rõ, nhưng đến nay cũng chưa thể kết luận được”, Thanh tra Bộ Tài chính

Đối với kết quả thanh tra tại Cục Thuế Bắc Ninh, theo báo cáo, tháng 8/2019, cục thuế này đã kiểm tra tại Tenma. Quá trình kiểm tra trên của Cục Thuế Bắc Ninh có một số vấn đề như: Quyết định kiểm tra ghi sai tên thành viên đoàn kiểm tra; Ghi nhật ký đoàn kiểm tra không đúng thực tế thực hiện; chưa phát hiện được chi phí bất hợp lý mà DN đã hạch toán không đúng vào kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2017 số tiền trên 2,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, trưởng đoàn kiểm tra Cục Thuế này đã chuyển cho công ty nhiều bản dự thảo biên bản kiểm tra thuế xác định không đúng số thuế mà công ty này phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế...

“Đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ sửa chữa khuôn không có trong ngành nghề đăng ký kinh doanh tại các giấy chứng nhận đầu tư của Tenma Việt Nam nên không được ưu đãi thuế TNDN. Do đó, đoàn kiểm tra xác định truy thu thuế TNDN của hoạt động này là 531 triệu đồng là đúng pháp luật”, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết.

5,4 tỷ đồng được chi sai quy định

Thanh tra Bộ Tài chính cũng thông tin kết quả xác minh số tiền 25 triệu Yên (tương đương 5,4 tỷ đồng) được báo chí Nhật Bản phản ánh Cty Tenma Việt Nam đã hối lộ cho công chức Việt Nam (10 triệu Yên năm 2017 và 15 triệu Yên năm 2019).

Đối với giao dịch liên quan tới 10 triệu Yên (tương đương 2,1 tỷ đồng), theo xác minh, năm 2017, Kế toán trưởng của Tenma Việt Nam đã rút tiền từ ngân hàng về, sau đó lập phiếu kế toán chi tạm ứng cho bà Lê Thị Chinh, bộ phận hành chính công ty ghi “mua vật tư và dụng cụ sửa chữa”, lập các phiếu kế toán hoàn ứng, hạch toán vào chi phí sản xuất năm 2017 với số tiền 2,1 tỷ đồng nhưng không có chứng từ gốc (hợp đồng mua bán, hóa đơn...).

Những người ký tên trên chức danh chứng từ này được xác định có: Kế toán, Kế toán trưởng, Thủ quỹ của doanh nghiệp (DN) và người phê duyệt là ông Yoshida Haruhiko (Tổng giám đốc) và ông Amano Kan (Giám đốc bộ phận hành chính).

Ngày 30/3/2020, Tenma Việt Nam nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2017, bổ sung lần 2, loại trừ các khoản chi phí 2,1 tỷ đồng ra khỏi thu nhập chịu thuế năm 2017 và nộp bổ sung thuế TNDN năm 2017 vào ngân sách nhà nước với số tiền hơn 159 triệu đồng, tiền chậm nộp hơn 34,8 triệu đồng, lý do không có hóa đơn, chứng từ gốc hợp lệ.

Đối với giao dịch liên quan đến 15 triệu Yên (3 tỷ đồng, phát sinh năm 2019), theo Thanh tra Bộ Tài chính, ngày 30/8/2020, Tenma Việt Nam bán USD cho ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Bắc Ninh, đồng thời rút tiền mặt 3 tỷ đồng về tạm ứng cho ông Yoshida với lý do tạm ứng mua đồ.

Tenma Việt Nam đã thực hiện tất toán số dư nợ tạm ứng 3 tỷ đồng của ông Yoshida bằng cách hạch toán chuyển vào chi phí khác để xác định kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019. Những người thực hiện ký trên các chứng từ kế toán là Kế toán, Kế toán trưởng, Thủ quỹ, Tổng Giám đốc Yoshida. Tuy nhiên, các chứng từ, phiếu kế toán đều không có chứng từ gốc như hóa đơn, hợp đồng kèm theo.

Ngày 30/3/2020, Tenma Việt Nam nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2019 cho Cục Thuế Bắc Ninh. Theo tờ khai và công văn giải trình của DN này, 3 tỷ đồng tạm ứng cho ông Yoshida đã được loại ra khỏi chi phí khi tính thu nhập chịu thuế năm 2019. Lý do là vì các khoản chi này không có chứng từ hợp lý, hợp lệ.

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, việc tạm ứng, thanh toán tạm ứng trong nội bộ của Tenma Việt Nam liên quan trực tiếp đến người của công ty này. Tuy nhiên, ông Yoshida Haruhiko về Nhật từ cuối năm 2019 đến thời điểm kết thúc thanh tra chưa sang Việt Nam; ông Amano Kan, Giám đốc bộ phận hành chính trong tháng 10/2019 hết nhiệm kỳ đã rời khỏi Việt Nam.

“Do vậy, Tenma Việt Nam có hối lộ Đoàn kiểm tra sau thông quan và Đoàn kiểm tra Thuế hay không, Thanh tra Bộ Tài chính đã phối hợp với C03 - Bộ Công an để làm rõ, nhưng đến nay cũng chưa thể kết luận được”, Thanh tra Bộ Tài chính cho hay.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.