> Ngắc ngoải bệnh viện tư
> Thanh tra Sở y tế nói gì sau vụ 'bác sĩ quăng xác bệnh nhân'
Mấy năm trước, trong giấy phép hành nghề được cấp cho bệnh viện tư đều có câu:
“Phạm vi hoạt động: khám chữa bệnh thông thường”. Nhiều người ngao ngán khi đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào bệnh viện với máy móc hiện đại lại chỉ hoạt động trong phạm vi “khám nhức đầu, sổ mũi”. Nay, dù đã cởi trói cho sự cấp phép khó hiểu này thì những sợi dây thòng lọng khác lại thắt vào những cơ sở y tế tư nhân khiến họ lại khó thở hơn.
Ở hệ thống bệnh viện công, năm nào người ta cũng đánh giá phân cấp loại này loại nọ nhưng đứa con ghẻ bệnh viện tư bị cào bằng một cách tội nghiệp. Giám đốc của một bệnh viện tư than thở khi người này đầu tư hàng trăm tỷ cho bệnh viện của mình nhưng nó cũng “đồng sàn” với cái bệnh viện chỉ đầu tư 10 tỷ đồng, máy móc, nhân lực thiếu trước hụt sau.
Không được phân loại cũng đồng nghĩa bệnh viện tư không có được tỷ lệ tai biến xảy ra khi điều trị, điều mà các nền y tế trong khu vực chưa dám suy nghĩ tới chứ nói gì đến chuyện áp dụng. Ở phía đứa con ruột- bệnh viện công vì được phân loại nên cho phép xảy ra tai biến với tỷ lệ tùy theo và buồn hơn nhiều tai biến bị giấu nhẹm, chứ không thanh tra lui tới, đọa đầy như chốn bệnh viện tư.
Dù ngành y tế luôn khẳng định y tế công- tư bình đẳng nhưng có bình đẳng nổi không khi nhiều người ở bệnh viện tư hàng chục năm công tác chỉ mong được một suất đi nước ngoài đào tạo chuyên môn từ kinh phí nhà nước như các đồng nghiệp bệnh viện công lại chỉ nhận được cái lắc đầu.
Bình đẳng được không khi để nuôi sống chính bản thân mình, nhiều người trong bệnh viện tư phải đi cầu cạnh các đơn vị bảo hiểm chỉ để mong có được phân bổ nguồn khám bảo hiểm y tế ở bệnh viện mình.
“Bệnh viện tư đang chết và sẽ chết nếu như sự công bằng chưa có”- PGS-BS Nguyễn Hoài Nam- Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM nói như vậy. Ông dẫn ra chính sách “xã hội hóa y tế” và nhìn nhận là “bước đi sai lầm” khi “bảo bối” này đã bị các bệnh viện công lạm dụng để kêu gọi tư nhân đầu tư vào bệnh viện công, sau đó lấy của công để phục vụ “nhóm lợi ích” để tư lợi. Vô hình trung, tư nhân hóa bệnh viện công và đẩy hệ thống bệnh viện tư bên vực phá sản.
3 bệnh viện lớn của TPHCM vừa bị phanh phui trục lợi hàng tỷ đồng từ xã hội hóa y tế như đẩy bệnh nhân vào mổ dịch vụ, chụp chiếu tràn lan, “ăn” X-quang… đủ cho thấy bất cập này. Đến thời điểm này cả nước có trên 30 nghìn phòng khám tư và hơn 100 bệnh viện tư tạo ra 6 nghìn giường bệnh.
Mặc dù Bộ Y tế khẳng định việc xã hội hóa đầu tư phát triển y tế đã mang lại số lượng cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tăng lên nhưng bên cạnh đó y tế tư nhân lại bầm giập khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Thông thoáng hơn trong cơ chế cho bệnh viện tư là điều mà ngành y tế khẳng định nhưng liệu có khởi sắc không khi những chính sách cho hệ thống y tế tư nhân vẫn còn xa vời.