Bộ Nội vụ đề xuất kiểm định chất lượng đầu vào thay vì tuyển dụng công chức

Bộ Nội vụ đề xuất kiểm định chất lượng đầu vào thay vì tuyển dụng công chức. Ảnh minh họa
Bộ Nội vụ đề xuất kiểm định chất lượng đầu vào thay vì tuyển dụng công chức. Ảnh minh họa
TPO - Việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức thay vì mỗi bộ ngành, địa phương tự tổ chức thi tuyển sẽ tiết kiệm được các chi phí cho công tác tuyển dụng từ ngân sách nhà nước.

Bộ Nội vụ đã xây dựng tại dự thảo và xin ý kiến rộng rãi về đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Bộ Nội vụ cho rằng, tuyển dụng công chức có vai trò đặc biệt quan trọng trong tổng thể chu trình quản lý công chức. Hoạt động tuyển dụng được thực hiện hiệu quả không chỉ bổ sung cho vị trí công chức còn thiếu mà còn tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.

Trong những những năm qua, hoạt động tuyển dụng công chức đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, hoạt động tuyển dụng công chức ở nước ta hiện nay vẫn còn không ít những thách thức.

Theo Bộ Nội vụ, nội dung thi tuyển công chức mặc dù tương đối toàn diện nhưng chưa đủ để đánh giá năng lực, kỹ năng mềm của người dự tuyển. Trong khi đó, vị trí công chức không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần có năng lực, kỹ năng của hoạt động công vụ. Hơn nữa, quá trình tuyển dụng chưa thực sự là quá trình đánh giá năng lực với những thước đo hiệu quả để tuyển đúng ứng viên cho vị trí công chức cần tuyển.

Hiện trạng này đòi hỏi cần có những bước chuyển quan trong tuyển dụng công chức ở nước ta. Trên cơ sở đó, Bộ Nội đã giao cơ quan chuyên môn, xây dựng dự thảo đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Nội dung các bài thi kiểm định bao gồm kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học, thời gian khoảng 180 phút.

Việc kiểm định không chỉ là đánh giá kiến thức chung như vừa qua, mà sẽ đánh giá tổng hợp, toàn diện năng lực của thí sinh dự tuyển. Trong đó có khả năng hiểu biết về nhiệm vụ, trách nhiệm, sự sẵn sàng đảm đương vị trí công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.

Quy trình kiểm định đầu vào sẽ được chia làm hai công đoạn. Giai đoạn 1, nếu thí sinh trả lời đúng trên 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi, sẽ được đơn vị kiểm định cấp giấy chứng nhận. Đây là cơ sở để các cơ quan tuyển dụng công chức thực hiện các bước tiếp theo.

Củng cố niềm tin của người dân

Địa điểm kiểm định chất lượng tập trung sẽ được tổ chức tại Hà Nội, TPHCM, Thừa Thiên - Huế và Buôn Ma Thuột. Trường hợp các thí sinh không có điều kiện kiểm định tại 4 địa điểm trên, đơn vị kiểm định chất lượng đầu vào bố trí nhân sự, phần mềm, ngân hàng đề thi để thực hiện kiểm định tại địa phương.

Kỳ kiểm định chất lượng đầu vào tập trung sẽ được thực hiện ít nhất 2 lần mỗi năm. Các thí sinh không đạt yêu cầu có thể đăng ký thi lại sau 6 tháng kể từ khi kiểm định không đạt ở lần trước. Thời gian thực hiện được đề xuất từ năm 2021- 2022.

Theo Bộ Nội vụ, việc thực hiện đề án sẽ tác động trực tiếp đến các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong công tác tuyển dụng công chức theo hướng tăng cường trách nhiệm, tăng cường tính thực chất trong công tác tuyển dụng. Việc thực hiện đề án đồng thời tác động trực tiếp đến người dân, cụ thể là những người mong muốn trở thành công chức, những người có năng lực sẽ có cơ hội để thể hiện năng lực của mình.

Với nhà nước, việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức thay vì mỗi bộ ngành, địa phương tự tổ chức thi tuyển sẽ tiết kiệm được các chi phí cho công tác tuyển dụng từ ngân sách nhà nước. Cụ thể, các chi phí giảm bao gồm chi phí về tiếp nhận hồ sơ, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức coi thi, chấm thi, chi phí của hội đồng thi tuyển.

“Đề án được thực hiện góp phần củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp về hệ thống công vụ; người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng từ một nền hành chính hiệu quả, chuyên nghiệp các dịch vụ hành chính công có chất lượng cao hơn, kịp thời hơn”, Bộ Nội vụ khẳng định.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.