Hồ sơ tuyển dụng không thể công khai?
Mổ xẻ việc đặc cách tuyển dụng làm Thư ký viên tòa án con trai của Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương, trao đổi với PV Tiền Phong, một nguyên lãnh đạo ngành tòa án cho rằng, cần có đoàn kiểm tra và làm rõ việc này. Theo vị này, để tuyển dụng vào công chức ngành tòa án, trước tiên cần có chỉ tiêu biên chế từ Tòa án Nhân dân tối cao và việc tuyển dụng phải được thực hiện công khai.
“Để tuyển công chức, trước tiên Ban cán sự phải họp và có Nghị quyết, có thông báo tuyển dụng công khai đi kèm một loạt các quy trình tuyển dụng chặt chẽ, lập các ban tuyển dụng và kiểu gì cũng phải qua thi tuyển. Không bao giờ có chuyện cho tuyển dụng đặc cách trong ngành tòa án. Kể cả học ở nước ngoài về thì cũng phải qua hội đồng thi. Bằng tốt nghiệp loại Giỏi cũng phải thi. Thi xong kết quả phải báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao và sau đó mới được tuyển dụng. Từ trước đến nay vẫn thế”, vị này nói.
Cũng theo vị nguyên lãnh đạo này, để làm rõ, cần phải kiểm tra, rà soát lại thời điểm tuyển dụng con trai ông Hân vào thời điểm năm 2016 và con dâu vào tháng 3/2017 có thuộc trong thời điểm tòa án tỉnh có chỉ tiêu tuyển dụng biên chế không. Quy trình nhận, xét hồ sơ, thực hiện tuyển dụng từ thời điểm nào đến thời điểm nào, có đúng quy trình… đều phải được ghi nhận trong hồ sơ, sổ sách tại tòa. Còn nếu thiếu các yêu cầu trên thì là tuyển dụng sai quy trình.
Một cán bộ ngành tòa án Hải Dương cho rằng, bên cạnh việc làm rõ quy trình tuyển dụng, cần làm rõ cả thông tin lý do Phó Chánh tòa, ông Mạc Minh Quang ký quyết định tuyển dụng con trai và con dâu Chánh tòa Hải Dương khi mà ông Hân sẽ về hưu vào ngày 1/7/2018 tới?! Với vai trò là cấp phó và là người ký trực tiếp tuyển dụng con trai và con dâu Chánh tòa, ông Mạc Minh Quang cần lên tiếng và chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng này nếu là cuộc tuyển dụng “có vấn đề”.
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, ông Quang từ chối trả lời liên quan đến những vấn đề về việc tuyển dụng. Ông Quang cho hay chỉ trả lời những câu hỏi liên quan đến số tài sản khủng cũng như tin đồn “cặp bồ”, “còn việc tuyển dụng đồng chí Chánh tòa sẽ trả lời”. Ông Quang cũng khẳng định hồ sơ tuyển dụng là bí mật của tòa nên không thể công khai?!
“Nguyễn Hoàng Phương, con dâu ông Hân, tốt nghiệp Đại học Luật năm 2014 cho đến khi được tuyển dụng qua cuộc thi “một mình một phòng thi” không tham gia chính thức trong bất kỳ ngành tòa án nào và đơn vị công tác liên quan đến ngành luật. Đặc biệt cô Phương này sinh sống tại Hà Nội và sau khi lấy chồng một tháng thì đã kịp làm hồ sơ để thi tuyển và trúng tuyển kỳ thi công chức khi “không có hồ sơ nào đăng ký thi cùng” là đặc biệt lạ thường”, một vị cán bộ ngành tòa án cho biết.
Làm rõ sự bất thường trong công tác cán bộ
Trao đổi với Tiền Phong, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc xét đặc cách con trai Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương và con dâu “một mình một phòng thi” khi thi tuyển công chức vào tòa là điều bất thường trong tuyển dụng cán bộ. Việc tuyển dụng công chức này càng bất thường hơn khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 4 của Trung ương 11 và 12. Đặc biệt thời gian gần đây, tình trạng “cả họ làm quan”, “cả gia đình làm lãnh đạo” được nhắc đến nhiều gây bức xúc của dư luận.
“Tôi đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao và Tỉnh ủy Hải Dương và đặc biệt là Bộ Nội vụ cần vào cuộc làm rõ việc này. Việc làm rõ công tác tuyển dụng với hai trường hợp con trai và con dâu ông Đào Đình Hân cũng là để giữ uy tín cho đồng chí Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương”, bà An đề xuất.
Theo bà An, càng làm cán bộ lãnh đạo cấp cao, càng cần sự gương mẫu. Khi có những dư luận không có lợi liên quan đến con cái của cán bộ lãnh đạo ngành tòa án Hải Dương thì các cơ quan cần sớm vào cuộc làm rõ. Theo đó, để làm rõ quy trình tuyển dụng ngoài, đối chiếu các quy trình tuyển dụng, có thể lấy ý kiến của các cán bộ trong ngành tòa án Hải Dương dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bà An cũng cho hay, tại buổi đánh giá công tác cán bộ giai đoạn 20 năm vừa qua, có nhiều ý kiến về những bất cập liên quan đến tuyển dụng cán bộ, cả nhà làm quan. Việc “ưu ái” đưa người nhà vào làm công chức dẫn đến bất công bằng, khiến nhiều con em nông dân, cử nhân khác vất vả học hành, thậm chí học giỏi nhưng phải chịu thiệt thòi. Mong các lãnh đạo đơn vị gương mẫu, thực hiện đúng chỉ thị của Trung ương trong công tác đào tạo, quy hoạch, tuyển dụng cán bộ.
“Chính sách ưu tiên là cần thiết. Nhưng là ưu tiên cho ai. Những người đang công tác ở biên giới, đảo xa, những nơi khó khăn thì nên ưu tiên. Việc ưu tiên này để trân trọng sự cống hiến. Còn con quan chức mà tài giỏi thì cũng nên cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch qua các kỳ thi tuyển công khai”, bà An nêu ý kiến.
“Có thể lấy ý kiến các cán bộ trong ngành tòa án Hải Dương về vụ việc này. Việc lấy ý kiến cũng phải thực hiện khéo để cán bộ có thể nói thẳng, nói thật về sự việc. Nếu con đồng chí Chánh án có tài năng, giỏi giang cứ đường hoàng thi tuyển công khai với các ứng viên khác. Phòng thi một người thì có dấu hiệu bất thường. Không làm rõ, để điều tiếng với người đứng đầu ngành tư pháp địa phương như vậy thì người dân sẽ thấy thế nào. Cần có sự minh bạch, rõ ràng về việc tuyển dụng này”.
Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII