Bổ nhiệm “đúng quy trình” sao dư luận vẫn băn khoăn

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, trong công tác cán bộ, cần phải quan tâm đến yếu tố đạo đức và phẩm chất, tức là phải coi trọng cái “tâm” trước cái “tầm”.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, trong công tác cán bộ, cần phải quan tâm đến yếu tố đạo đức và phẩm chất, tức là phải coi trọng cái “tâm” trước cái “tầm”.
TPO - Theo ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa), không ít trường hợp nói bổ nhiệm “đúng quy trình”, tại sao dư luận vẫn băn khoăn xôn xao, việc này cần phải xem lại. Tuy nhiên ĐB Thông cho rằng, trẻ hóa cán bộ lãnh đạo các cấp là một “luồng gió mới”.

Bổ nhiệm “đúng quy trình” sao vẫn băn khoăn?

Ngày 23/10, góp ý cho các văn kiện trình Đại hội Đảng XII, Đại biểu (ĐB) Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, công tác xây dựng Đảng, trọng tâm vẫn phải lấy cán bộ làm khâu đột phá, quyết định. Dân chủ trong Đảng phải nhấn mạnh. Đó là một bước quyết định dân chủ ngoài xã hội. Phải có sự cạnh tranh trong công tác bầu cử, để chúng ta thực sự lựa chọn được những người có đức, có tài.

“Dư luận xôn xao không ít trường hợp nói bổ nhiệm “đúng quy trình”, tại sao dư luận vẫn băn khoăn xôn xao, việc này cần phải xem lại. Tôi nghĩ rằng quy trình công tác cán bộ của ta chưa tạo được yên tâm trong xã hội”, ĐB Thông đề nghị, song vẫn có quan điểm trẻ hóa cán bộ lãnh đạo các cấp là một “luồng gió mới”.

“Tôi hi vọng thời gian sẽ chứng minh, các đồng chí lãnh đạo trẻ sẽ chứng tỏ được mình”, ông Thông kỳ vọng

Nói về điều này, ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội tiết lộ, có thể sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về công tác bổ nhiệm cán bộ. “Việc bổ nhiệm cán bộ trẻ là rất tốt, xu thế rất hay. Tuy nhiên giữa quy định pháp luật của Nhà nước với cái chúng ta làm “đúng quy trình” là hoàn toàn sai”.

Theo ĐB Lợi, giải pháp đầu tiên là nên chấp nhận con đường lựa chọn của xã hội, cứ người nào có tài thì được trọng dụng. Bên cạnh đó phải làm bài bản, tức là phải ngồi vị trí đó tối thiểu 5 năm, phải là chuyên viên chính, phải cao cấp lý luận chính trị như quy định đặt ra…

“Anh chưa đến một năm thì có thể ngồi vị trí đó không? Chúng ta phải rõ ràng, một là sửa quy trình, cứ người dân đồng tình, Đảng lựa chọn thì bổ nhiệm. Hai là tuân thủ đúng quy trình”, ĐB Lợi đề nghị.

Cán bộ phải như viên gạch đặt đúng chỗ

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tất cả mọi vấn đề là con người. Từ nhận thức, phương thức tổ chức đến phương thức lãnh đạo, đến những cái đạt được, hay hạn chế đều xuất phát từ con người và công tác tổ chức.

Tuy nhiên theo ĐB Hà, công tác tuyển chọn cán bộ hiện mới chỉ coi trọng bằng cấp, tức coi trọng hình thức chứ không phải bản chất bên trong và năng lực thực sự.

Đề cập đến 4 việc liên quan đến công tác cán bộ là tuyển chọn, giáo dục- đào tạo, sử dụng và giám sát, ông Hà cho rằng, cần phải quan tâm đến yếu tố đạo đức và phẩm chất. Tức là phải coi trọng cái “tâm” trước, bởi cái “tầm” chưa được thì có thể đào tạo, cùng với đó là giám sát minh bạch, công khai, đánh giá khách quan.

“Nếu làm được bốn giai đoạn trên thì bộ máy sẽ có con người hoạt động tốt. Từ đó hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng cao, như các cụ nói muốn làm tiên sinh trước hết phải làm học sinh của nhân dân. Trước tiên phải coi trọng bố trí, sắp xếp người làm công tác tổ chức của cả hệ thống chính trị có tâm, có tầm để bộ máy vận hành tốt hơn. Cũng giống như đặt viên gạch vào đúng vị trí thì mới bền vững”, ĐB Hà ví von.

“Con người không tốt là hỏng hết. Cán bộ nói phải đi đôi với làm, không tham vọng hay say sưa quyền lực, trong thực hiện không được đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà phải đặt trong lợi ích chung của đất nước”, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nêu quan điểm.

“Có ngành qua báo chí đánh bóng, che đậy hay tuyên truyền một phía. Cá nhân này vào hàng ngũ cán bộ chủ chốt thì nguy hiểm lắm”, ĐB Hùng cảnh báo.

Bổ nhiệm “đúng quy trình” sao dư luận vẫn băn khoăn ảnh 1Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)

Tăng cường cơ chế giám sát

Góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội thứ XII của Đảng ngày 23/10, Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, cần đổi mới để thúc đẩy phát triển bởi mô hình sở hữu nhà nước sẽ rất khó phát huy hiệu quả trong nền kinh tế thị trường.

Dẫn từ thực tiễn kinh tế thế giới, ĐB Thường cho rằng, sự yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước không chỉ do thiếu cơ chế giám sát hay quản lý doanh nghiệp yếu kém, mà quan trọng nhất chính là do bản chất mô hình sở hữu nhà nước sẽ rất khó phát huy hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. Vì thế, trước hết phải đổi mới về phân bổ nguồn lực bởi sự độc quyền và ưu đãi đặc quyền cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ không đảm bảo được việc phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, trong khi nguồn lực quốc gia hiện nay còn rất hạn chế.

ĐB Thường nhấn mạnh: 'Nhà nước làm kinh tế khi và chỉ khi doanh nghiệp tư nhân làm không tốt bằng hoặc không muốn làm (trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hay công ích cơ bản). Còn lại cần để cho thị trường tự điều tiết và khu vực tư nhân đảm nhận'.

ĐB Thường dẫn chứng thông tin mới đây, Chính phủ quyết định thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có cả doanh nghiệp rất hiệu quả như Vinamilk (Mã: VNM) khiến thị trường chứng khoán "xanh" trong mấy phiên liền, thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự chuyển hướng chính sách trên thực tế. Hay như phiên IPO thành công của Bệnh viện Giao thông tạo kỳ vọng vào hướng đi cho các tổ chức sự nghiệp công lập,...

"Muốn khuyến khích doanh nghiệp có động lực đầu tư phát triển và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý thì cần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Muốn doanh nghiệp có động lực đầu tư tăng năng suất và lợi thế cạnh tranh thay vì chỉ lo đến việc “luồn lách” thì cần có hệ thống luật pháp minh bạch, công khai, một nền hành chính công vụ hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời cần tăng cường cơ chế giám sát từ người dân và xã hội một cách thực chất và hiệu quả hơn", ĐB Thường khẳng định.

MỚI - NÓNG