Bộ Giao thông nghiên cứu hai phương án cho BOT T2 Cần Thơ

Trạm thu phí BOT T2 Quốc lộ 91 hiện phải dừng thu phí để Bộ GTVT nghiên cứu phương án giải quyết bất cập.
Trạm thu phí BOT T2 Quốc lộ 91 hiện phải dừng thu phí để Bộ GTVT nghiên cứu phương án giải quyết bất cập.
TPO - Bộ GTVT đang nghiên cứu 2 phương án để xử lý dứt điểm các bất cập tài xế phản ánh về vị trí đặt trạm thu phí BOT T2 Quốc lộ 91 (Cần Thơ). Dù phương án nào, theo lãnh đạo bộ này, sẽ phải hài hoà lợi ích các bên, và không khiến khoản vay đầu tư dự án này trở thành nợ xấu ngân hàng.

Những ngày qua, trạm thu phí BOT T2 Quốc lộ 91 đã phải dừng thu phí để Bộ GTVT nghiên cứu lựa chọn phương án phù hợp nhất, giải quyết dứt điểm những bất cập của trạm thu phí này, không để tiếp diễn tình trạng tài xế tập trung phản đối.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật kể lại quá trình kêu gọi làm BOT Quốc lộ 91 đoạn An Giang –Cần Thơ. Theo đó, lâu nay hạ tầng giao thông khu vực Tây Nam Bộ rất khó khăn, do chi phí đầu tư lớn vì sông ngòi nhiều, thiếu nguồn vật liệu. Trong khi đó, khu vực Tứ giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp) là vựa lúa, vựa thuỷ sản, trái cây của cả nước, Quốc lộ 91 khi xưa là tuyến đường huyết mạch, nhưng nhỏ hiẹp, xuống cấp. Do ngân sách nhà nước khó khăn, nên phải kêu gọi đầu tư BOT.

Theo ông Nhật, do đoạn Quốc lộ 91 làm BOT chỉ nằm trong địa bàn Cần Thơ, nên khi xin ý kiến các địa phương đều đồng ý, năm 2018 cũng miễn giảm phí cho hơn 11.000 phương tiện, và khi đó chưa có cầu Vàm Cống. “Khi cầu Vàm Cống thống xe, phương tiện qua lại giữa cầu Vàm Cống – Quốc lộ 80 đi Ang Giang chỉ sử dụng khoảng 1,3km đoạn Quốc lộ 91 và qua trạm thu phí T2 phải trả tiền. Dẫn tới bất cập, tài xế có ý kiến”, ông Nhật nói.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ GTVT, tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang) kết nối với cầu Vàm Cống bị chậm tiến độ, nên dự kiến phải cuối năm nay mới khởi công, và phải 2 năm nữa mới có thể hoàn thành. Khi tuyến tránh này hoàn thành, phương tiện qua lại giữa An Giang – cầu Vàm Cống sẽ không còn phải qua đoạn BOT Quốc lộ 91 và trạm thu phí T2 nữa. Khi đó, trạm thu phí T2 ở vị trí hiện nay cũng không còn bất cập.

“Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm bất cập hiện tại của trạm thu phí T2 Quốc lộ 91, chúng tôi đang cho tạm dừng thu phí, và đếm lưu lượng xe qua lại giữa An Giang – cầu Vàm Cống. Từ đó sẽ tính toán 2 phương án là miễn giảm phí, hoặc di dời trạm T2. Dù chọn phương án nào, cũng phải xử lý triệt để bất cập, không làm chắp vá, nhát gừng, hài hoà lợi ích người dân – nhà đầu tư – nhà nước. Do đó, cần thời gian nhất định để tính toán, lựa chọn phương án tối ưu nhất”, ông Nhật nói thêm.

Theo đó, phương án 1 là mở rộng diện miễn giảm giá vé qua trạm T2 cho phương tiện của người dân khu vực An Giang, Đồng Tháp quanh trạm thu phí, với bán kính 8-10km (như đang áp dụng với phương tiện của người dân Cần Thơ). Tuy nhiên, cần phải đếm lưu lượng xe, sau đó tính toán số phương tiện miễn giảm, mức giảm, sau khi giảm phương án tài chính dự án ra sao. 

Phương án 2, tính toán có thê di dời trạm T2 lúi về phía cầu Vàm Cống khoảng 500m (đề xe qua lại đoạn An Giang – cầu Vàm Cống không phải qua trạm thu phí T2). Việc này cũng phải tính toán về chi phí đầu tư di dời trạm, phương án tài chính của dự án, liệu mức thu phí có đủ trả tiền vay ngân hàng, thời gian thu phí điều chỉnh…

“Chúng tôi sẽ tính toán và lựa chọn phương án nào hợp lý nhất, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên, phương án nào giải quyết được bất cập, nhận được sự đồng tình của người dân, nhưng vẫn đảm bảo để chủ đầu tư thu hồi vốn, trả nợ sẽ được lựa chọn. Vì nếu doanh thu thu phí không đạt để trả nợ ngân hàng, có thể đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, khoản vay đầu tư thành nợ xấu ngân hàng”, ông Nhật giải thích.

Ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang cho biết, tổng vốn đầu tư BOT Quốc lộ 91 trên 1.700 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.400 tỷ đồng là tiền vay ngân hàng. Hiện bình quân mỗi tháng dự án thu được khoảng 10 tỷ đồng, tiền trả lãi ngân hàng khoảng 10,5 tỷ đồng. Do đó, nhà đầu tư đang lỗ trên 100 tỷ đồng. 

“Chúng tôi đang kiến nghị Cần Thơ, Bộ GTVT nghiên cứu dùng ngân sách hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư để phương án tài chính dụ án không bị phá vỡ”, ông Khang nói.

Trước đó, từ ngày 21/5, một số tài xế đã dừng xe ở làn thu phí và không trả tiền để phản ánh bất cập tại trạm thu phí T2, khiến tuyến đường này ùn tắc. Sau đó, Bộ GTVT và các địa phương đã phải nhóm họp bàn giải pháp giải quyết. Trong khi chờ đợi Bộ GTVT chốt phương án cuối cùng, trạm thu phí T2 tạm thời dừng hoạt động.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 - Km50+889 (An Giang – Cần Thơ) theo hình thức BOT, dài 43,94km. Nhà đầu tư là Liên danh giữa Công ty CP đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng Công ty PT KCN, trong đó Cường Thuận năm 60% vốn. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang.

Dự án khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2016, và chính thức thu phí từ ngày 31/12/2016. Mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/xe dưới 12 chỗ ngồi, và cao nhất là 200.000 đồng/xe tải 18 tấn trở lên. Lộ trình tăng phí 3 năm 1 lần, mỗi lần tăng 18%. Dự án có 2 trạm thu phí đặt 2 đấu tuyến đường. Thời gian thu phí ban đầu là 17 năm, nhưng sau khi điều chỉnh giảm giá cho người dân địa phương quanh trạm thu phí, thời gian thu phí tăng lên hơn 34 năm.

MỚI - NÓNG