Bộ Giao thông điện tử hóa quản lý: Hơn 1.100 tỷ đồng tiêu vào đâu?

Chính phủ yêu cầu thời gian tới, thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe của Bộ GTVT phải được thực hiện trực tuyến và trả kết quả tại nhà. Ảnh người dân làm thủ tục đổi giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) Ảnh: Phạm Thanh
Chính phủ yêu cầu thời gian tới, thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe của Bộ GTVT phải được thực hiện trực tuyến và trả kết quả tại nhà. Ảnh người dân làm thủ tục đổi giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) Ảnh: Phạm Thanh
TP - Ngân sách nhà nước sẽ dành hơn 1.115 tỷ đồng để Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành giao thông vận tải. Số tiền được kỳ vọng giúp Bộ này tiếp cận trình độ quản lý 4.0. Vậy phương án tiêu tiền thế nào, liệu có khả thi? 

Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, Bộ GTVT sẽ được ngân sách nhà nước bố trí tổng kinh phí 1.115 tỷ đồng để đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành. Trong đó, có 970 tỷ đồng từ vốn ngân sách chi đầu tư phát triển, 145 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên.

Đây là một trong các nội dung được đưa ra trong Đề án “Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ” vừa được Thủ tướng phê duyệt theo đề xuất của Bộ GTVT. Đầu tư CNTT sẽ giúp Bộ GTVT đổi mới quản lý, điều hành, phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 và Chính phủ điện tử. Trong đó, nhiệm vụ có số chi thấp nhất là 10 tỷ đồng, cao nhất 400 tỷ đồng.

Một số đầu mục chi được Bộ GTVT dự kiến triển khai xây dựng như: Hệ thống CNTT quản lý hoạt động vận tải đường bộ (400 tỷ đồng); Hệ thống thông tin thống kê, tổng hợp số liệu và hỗ trợ điều hành (85 tỷ đồng); Hệ thống thông tin nghiệp vụ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (80 tỷ đồng); Hệ thống thông tin nghiệp vụ quản lý phương tiện, người lái (80 tỷ đồng); Cổng dữ liệu mở ngành GTVT (60 tỷ đồng); Mở rộng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe (60 tỷ đồng); Nâng cấp mở rộng hệ thống thông tin quản lý đăng kiểm (60 tỷ đồng); Nâng cấp, mở rộng hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ GTVT (20 tỷ đồng); Đầu tư cho an toàn, an ninh mạng (40 tỷ đồng)…

Ngoài ra, một số ứng dụng công nghệ khác sẽ được Bộ GTVT kêu gọi xã hội hoá đầu tư. Trong đó, ưu tiên thuê dịch vụ CNTT, hợp tác công - tư, giao nhiệm vụ, đặt hàng.

Với các khoản đầu tư trên, Bộ GTVT đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ hình thành cơ sở dữ liệu của ngành, được kết nối, chia sẻ với các bộ ngành. Tất cả dịch vụ công phổ biến của ngành GTVT sẽ được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4, và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Lý giải cho đề xuất đề án trên, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, tới nay bộ đã triển khai một số ứng dụng CNTT trong quản lý, như hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí điện tử (ETC); hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; các ứng dụng trong quản lý hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy, đăng kiểm, đào tạo lái xe... Dù vậy, lãnh đạo bộ này thừa nhận, do chưa có tầm nhìn và mục tiêu đồng bộ, nên tác động của các ứng dụng trên ở mức rời rạc, thiếu gắn kết, chia sẻ.

Do đó, Bộ GTVT cần có một đề án tổng thể, xây dựng hệ thống CNTT của ngành thống nhất, đồng bộ trên cả nước. Tới hết năm 2019, ngành GTVT cung cấp 312 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Đánh giá về khoản chi cho các danh mục nhiệm vụ của đề án trên, lãnh đạo một công ty công nghệ thông tin cho rằng, với số tiền hơn 1.115 tỷ đồng chi trong 5 năm, bình quân mỗi năm 223 tỷ đồng không hẳn lớn. Tuy nhiên, mức đầu tư đó thừa sức tiếp cận các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất thế giới hiện nay, thậm chí thuê hãng công nghệ lớn của nước ngoài thực hiện. Còn nếu thuê các doanh nghiệp trong nước thực hiện xây dựng phần mềm, hoặc thuê lại dịch vụ sẽ rẻ hơn.

Theo Báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2019, do Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam công bố: Bộ GTVT chỉ xếp thứ 13/19 bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Trong đó, một số chỉ tiêu Bộ GTVT thuộc nhóm cuối bảng như: hạ tầng kỹ thuật (xếp 16/19), nhân lực (xếp 18/19)…

MỚI - NÓNG