Bộ Giáo dục: Thí sinh gian lận điểm thi sẽ bị buộc thôi học

Sơn La, Hòa Bình vẫn chưa tìm được số lượng bài thi bị can thiệp điểm
Sơn La, Hòa Bình vẫn chưa tìm được số lượng bài thi bị can thiệp điểm
TPO - Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định, nếu thí sinh nếu bài thi của thí sinh có đủ bằng chứng gian lận sẽ bị hủy kết quả thi. Bị hủy bài, thí sinh sẽ không đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp THPT. Điều 6 của Quy chế tuyển sinh quy định, thí sinh chưa được công nhận tốt nghiệp sẽ không đủ điều kiện để tham gia tuyển sinh.

Đó là khẳng định của lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT trước một số vấn đề nảy sinh liên quan đến mùa tuyển sinh 2018.

Năm nay, đã có 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang bị phát hiện gian lận thi cử mà chủ yếu là liên quan đến can thiệp điểm thi. Trong đó, tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã trả được điểm thật cho thí sinh. Còn tại Sơn La, Hòa Bình đến giờ, cơ quan điều tra công an vẫn chưa tìm ra được số lượng bài thi bị can thiệp điểm.

Một thực tế khác là các trường ĐH đã công bố danh sách trúng tuyển lần 1. Kết quả là tại các trường an ninh, quân đội, thủ khoa, những thí sinh điểm cao chủ yếu là của Hòa Bình và Sơn La.
Điều này khiến dư luận nổi song và đặt ra rất nhiều câu hỏi cũng như mong chờ cơ quan điều tra sớm có kết quả cuối cùng.

Trả lời về những băn khoăn của dư luận, lãnh đạo Vụ giáo dục ĐH cho biết Điều 49 của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định các hình thức xử lý thí sinh vi phạm quy chế. Hình thức hủy kết quả thi áp dụng khi thí sinh “để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp”.

Khoản 1 Điều 38 của Quy chế quy định: “Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả bài thi và môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều trên 1 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 trở lên, được công nhận tốt nghiệp”.

Như vậy, nếu bài thi của thí sinh có đủ bằng chứng gian lận sẽ bị hủy kết quả thi. Bị hủy bài, thí sinh sẽ không đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp THPT. Điều 6 của Quy chế tuyển sinh quy định, thí sinh chưa được công nhận tốt nghiệp sẽ không đủ điều kiện để tham gia tuyển sinh.

Do đó, dù đã nhập học nhưng nếu kết luận bài thi của thí sinh có gian lận, em đó sẽ bị buộc thôi học.

Quy chế của Bộ GD&ĐT chưa có quy định?

Nhiều trường ĐH top trên cũng thấy băn khoăn về kết quả trúng tuyển của một số thí sinh điểm cao năm nay đến từ các tỉnh có gian lận điểm thi. Tuy nhiên, khi được hỏi, các trường đều khẳng định sẽ không tổ chức một đợt đánh giá hay kiểm tra lại thí sinh đã trúng tuyển.

Còn theo vị lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, các trường ĐH sau khi tiếp nhận thí sinh trúng tuyển cũng không được phép tổ chức kiểm tra, đánh giá nữa. Vì như thế là vi phạm quy chế. Trong quy chế quy định, mọi vấn đề liên quan đến tuyển sinh, các trường phải điều chỉnh trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng vào ngày 19/8.

Tất cả các trường đều không có trường nào đề xuất một đợt kiểm tra, đánh giá lại trong đề án tuyển sinh. Do đó, nếu bây giờ trường làm, sẽ vi phạm quy chế.

Trong khi đó, là một người từng gắn bó với tuyển sinh ĐH, nguyên trưởng phòng đào tạo một trường ĐH lớn tại Hà Nội cho biết quy chế thi và tuyển sinh hiện nay của Bộ GD&ĐT đang bộc lộ nhiều kẽ hở.

“Với những thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình, nếu trả về điểm thực cho các em, nhưng các em vẫn trúng tuyển vào trường đã nhập học thì có bị xử lý không? Nếu không bị xử lý cũng vô lý” – vị chuyên gia này nói.

Còn với những thí sinh ở Hà Giang, Bộ chỉ trả về điểm thật cho các em. Trong số này, sẽ vẫn có những em trúng tuyển ĐH như thường.

Vị này cũng phân tích, trong tất cả các tình huống mà quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp mà Bộ GD&ĐT đưa ra khi thí sinh bị đình chỉ hoặc hủy bỏ kết quả thi thì thí sinh ở Sơn La và Hòa Bình không nằm trong quy định này. Kết quả các em có được là vì người khác phạm tội mà có. Còn quy chế chỉ quy định những trường hợp các em trực tiếp vi phạm quy chế.

Do đó, năm tới, vị chuyên gia này đề nghị Bộ GD&ĐT cần phải bổ sung quy chế thi THPT quốc gia cho chặt chẽ hơn.

MỚI - NÓNG