Hành trình 'phá tan' đường dây gian lận điểm thi tại Sơn La

Năm cán bộ giáo dục tỉnh Sơn La vừa bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Năm cán bộ giáo dục tỉnh Sơn La vừa bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Sau gần một tháng dư luận xôn xao về nghi vấn gian lận điểm thi tại Sơn La, công an tỉnh này đã quyết định khởi tố, bắt giam nhiều cán bộ được xác định có liên quan đến việc chỉnh sửa bài thi.

Sau Hà Giang, đến lượt tỉnh Sơn La chính thức bị phát hiện có gian lận điểm thi trong kì thi THPT quốc gia năm 2018. Tới nay đã có tổng cộng bảy cán bộ giáo dục của hai tỉnh đã bị khởi tố, bắt giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.

Hai vụ việc gian lận điểm thi tại trên đã gây chấn động dư luận, được đánh giá là một trong những vụ bê bối lớn nhất thời gian qua liên quan đến điểm thi của ngành giáo dục.

Hãy cùng nhìn lại quá trình các cơ quan chức năng phát hiện ra các sai phạm “tày trời” tại tỉnh Sơn La.

Điểm cao bất thường, giám đốc Sở nói không có tiêu cực

Giữa tháng 7/2018, sau khi vụ gian lận điểm thi TPHT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang bị phát hiện, dư luận lại xôn xao đặt nghi vấn về điểm thi cao bất thường tại Sơn La.

Theo đó, tỉnh Sơn La có hơn 10.250 thí sinh (TS) dự thi môn toán, trong đó 30 em đạt điểm từ 9 trở lên. Qua thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018, tỉnh Sơn La có điểm trung bình tất cả môn thi là 4,21, thấp nhất cả nước.

Cụ thể, điểm trung bình môn toán, địa lý, giáo dục công dân của Sơn La xếp cuối cùng trong 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, tỉ lệ TS Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn toán và vật lý vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt các môn tự nhiên.

Đáng chú ý, trong số này có hai TS tại Trường THTP chuyên Sơn La có tổng điểm nằm trong top cao nhất cả nước. Một số môn hai TS đạt điểm rất cao nhưng so sánh với kết quả thi thử cách đó ba tháng thì lại rất thấp.

Trả lời báo chí khi đó, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, khẳng định: “Toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kì tiêu cực nào. Đến thời điểm này, qua báo cáo của các điểm thi, các tổ chấm cho thấy không có sự bất thường”.

Về kết quả điểm thi cao nổi bật so với các năm trước, ông Đức cho rằng đây là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô, các em học sinh và ngành giáo dục tỉnh nhà.

Hành trình 'phá tan' đường dây gian lận điểm thi tại Sơn La ảnh 1 Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, công bố các sai phạm trong chấm thi tại Sơn La

5 ngày làm việc liên tục, phát hiện sai phạm “động trời”

Trước những thông tin nghi vấn trên, ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Sau năm ngày làm việc liên tục, chiều 23/7, tổ công tác đã công bố hàng loạt sai phạm tại tỉnh này. Theo đó, hội đồng đã tiến hành chấm thẩm định 110 bài thi môn văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường. Kết quả chấm thẩm định cho thấy 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên, trong đó có một bài có điểm chấm thẩm định thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.

Đối với các môn thi trắc nghiệm, bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm khâu chấm thi, sửa chữa bài thi của một số TS.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay một công đoạn bắt buộc các ban chấm thi phải thực hiện là chụp ảnh dữ liệu (phiếu trả lời trắc nghiệm của TS), sau đó mới cho máy chấm thi. Hình ảnh được quét này được sao ra đĩa CD để gửi về Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trước khi tiến hành quét, phiếu trả lời trắc nghiệm của TS đã bị thay thế. Đây là lý do khiến việc chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm của tỉnh Sơn La là vô nghĩa. Vì thế việc trả điểm thực về cho TS Sơn La hiện nay phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng Bộ Công an.

Ông Trinh cũng chia sẻ rằng tổ công tác đã phát hiện có việc sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Đĩa CD này hiện chưa biết là đã được đem đi đâu và ai cho phép đem đi.

Hành trình 'phá tan' đường dây gian lận điểm thi tại Sơn La ảnh 2 Ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú

Khởi tố phó giám đốc Sở, bắt giam nhiều người

Đáng chú ý, tổ công tác xác định có năm cán bộ liên quan đến các sai phạm trên, Cụ thể: Ông Trần Xuân Yến (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), bà Nguyễn Thị Hồng Nga, (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng), bà Cầm Thị Bun Sọn (phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng), ông Lò Văn Huynh (phó trưởng phòng Khảo thí Kiểm định chất lượng) và ông Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu).

Ngày 26/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” về những sai phạm tại hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La.

Đến ngày 31/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ba người là: Bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, thư ký ban chỉ đạo, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm); ông Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường PTTH Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm); ông Lò Văn Huynh (trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo, ủy viên Hội đồng thi, trưởng Ban thư ký).

Khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai người là ông Trần Xuân Yến (phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, ủy viên Ban Chỉ đạo thi, phó chủ tịch Hội đồng thi, phó trưởng ban chấm thi, tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm); bà Cầm Thị Bun Sọn (phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm).

Theo Theo PLO
MỚI - NÓNG