Bộ Giáo dục đề xuất 4 mô hình trường dân tộc nội trú

Học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Văn Yên, Yên Bái
Học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Văn Yên, Yên Bái
TPO - Bộ GD&ĐT vừa đề xuất 4 mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú đối với những địa phương có học sinh dân tộc thiểu số.

Hôm qua, 18/12, tại Yên Bái, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giai đoạn 2008 -2018. Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT, hiện nay trên toàn quốc có có 315 trường PTDTNT ở 49 tỉnh, thành với tổng số 109.245 học sinh nội trú (HSNT).

Đến nay, số trường PTDTNT được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã đạt khoảng 40%. Số học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường PTDTNT chiếm 8%. Đặc biệt, mô hình trường PTDTNT đang gặp nhiều bất cập trong vấn đề tuyển sinh, quy hoạch mô hình phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển của xã hội và thực hiện mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ cho một số dân tộc có nguồn nhân lực thấp (gồm 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người và một số dân tộc: Kháng, Gia Rai, Ba Na, Mông, Thái, Khmer, Raglai, Xtiêng, Khơ Mú, Co, Giẻ Triêng).

Chia sẻ tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng trường PTDTNT cần phải trở thành vườn ươm tài năng dành cho học sinh dân tộc thiểu số.

Ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu khẳng định thời gian gần đây, việc học sinh trường PTDTNT tỉnh đỗ vào các trường ĐH top trên là hoàn toàn bình thường. Chính vì vậy, không cần đến chính sách cử tuyển. Khoản tài chính đó có thể dùng để hỗ trợ chính những sinh viên tự bươn chải, vươn lên học tập, đỗ được vào các trường ĐH lớn.

Mặt khác, hiện nay, mô hình trường PTDTNT cũng có nhiều thay đổi linh hoạt. Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đang dự kiến triển khai hình thức học sinh các tường PTDTNT mỗi tuần sẽ có một buổi học tập sinh hoạt cùng các học sinh trường thường. Tại trường THCS Nguyễn Trãi, Chí Linh, Hải Dương, đã 4 năm nay trong trường có khối DTNT song hành cùng khối học sinh bình thường. Thầy Đỗ Văn Hoàng, hiệu trưởng nhà trường cho biết mô hình này rất thuận tiện cho học sinh và giáo viên.

Chính vì vậy, định hướng mô hình trường PTDTNT trong 10 năm tới, Bộ GD&ĐT đưa ra 4 mô hình. Thứ nhất, giữ nguyên mô hình trường PTDTNT như hiện nay đối với một số địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều xã đặc biệt khó khăn, địa hình núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt...

Thứ hai, xây dựng mô hình trường PTDTNT nhưng có một bộ phận là học sinh phổ thông.

Thứ ba, Xây dựng mô hình HSNT học tại trường phổ thông có cùng cấp học. Học sinh dân tộc thiểu số (HSNT) cùng học chung với học sinh các dân tộc Kinh có cùng cấp học ở một trường phổ thông.

Cuối cùng, xây dựng mô hình trường PTDTNT trọng điểm theo 4 vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Tây Nam Bộ. Hệ thống các trường vùng sẽ có 02 hệ đào tạo: Nội trú và dự bị đại học để đảm bảo đối tượng học sinh thuộc diện tạo nguồn đào tạo cán bộ (HSDTRIN, HS các dân tộc có nguồn nhân lực thấp) sẽ được học liên tục từ PTDTNT đến dự bị đại học.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, mô hình truyền thống của trường PTDTNT đã và đang phát huy hiệu quả rất lớn, thực hiện được mục tiêu là nơi tạo nguồn đào tạo nhân lực cho đồng bào dân tộc thiếu số. Chất lượng nhiều trường không thua kém các trường THPT chuyên, trường đại trà. Tuy nhiên trong 10 năm tới phải có thay đổi để khắc phục những tồn tại hiện có đáp ứng tình hình hiện nay đối với giáo dục dân tộc.

MỚI - NÓNG