Bộ GD&ĐT lên tiếng về tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã có chia sẻ về những công bố mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê. Trong quý I/2017, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm 2016. 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy những đổi mới đúng hướng của ngành Giáo dục thời gian qua. Tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện được tình trạng thất nghiệp cho nhóm lao động này cần những giải pháp tổng thể.

Theo bà Phụng, tỷ lệ thất nghiệp do Bộ LĐTB&XH công bố là tính trên tổng số người trong độ tuổi lao động chứ không phải số sinh viên vừa tốt nghiệp. 

“Như vậy, con số thất nghiệp giảm vừa thể hiện tương quan cung cầu lao động trên thị trường đã trở nên tốt hơn, vừa cho thấy những cố gắng, nỗ lực của ngành Giáo dục trong thời gian gần đây đã có phản hồi tích cực từ thị trường lao động”- bà Phụng khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhận định, tình trạng lao động có trình độ thất nghiệp có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những khó khăn của nền kinh tế nói chung dẫn đến khó khăn trong sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khó khăn trong thu hút đầu tư. 

Ngoài ra, cũng theo bà Phụng, công tác dự báo nhu cầu và quy hoạch nguồn nhân lực chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân dẫn tới cơ cấu nhân lực được đào tạo chưa hợp lý so với yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thất nghiệp do sinh viên tốt nghiệp và nhà tuyển dụng chưa gặp được nhau?

Theo bà Phụng, về phía ngành Giáo dục, chúng tôi cũng nhận ra một số nguyên nhân chủ quan.

Bà Phụng phân tích, thực hiện mục tiêu“đạt tỷ lệ 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020” để ngang bằng với tỷ lệ sinh viên của các nước trong khu vực dẫn đến số lượng các trường và quy mô đào tạo tăng nhanh nhưng các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa được quan tâm tương xứng, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Các biện pháp quản lý giáo dục hiện đại như triển khai hệ thống kiểm định các cơ sở giáo dục đại học; ban hành khung trình độ quốc gia tương thích với khung trình độ tham chiếu của khu vực để làm cơ sở xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp để sinh viên tốt nghiệp có tính cạnh tranh trên thị trường lao động chỉ mới được triển khai trong thời gian gần đây nên chưa phát huy ngay được hiệu quả.

Sinh viên chưa được rèn luyện kỹ năng tham gia thị trường lao động hiện đại, đặc biệt là kỹ năng khởi nghiệp, tự tạo viêc làm cho mình và cho người khác; kỹ năng thích ứng với mọi biến động trong môi trường làm việc cũng như sự linh hoạt để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của từng doanh nghiệp, ngành sản xuất, cả ở trong nước và trên thế giới; trình độ ngoại ngữ thấp giảm cơ hội việc làm trong thời kỳ hội nhập.

Cũng theo Bà Phụng, có hai nguyên nhân chính cho tình trạng sinh viên tốt nghiệp và doanh nghiệp chưa gặp nhau.

Thứ nhất, các cơ sở đào tạo chưa kết nối với doanh nghiệp như một yêu cầu tất yếu để phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá sinh viên đạt chuẩn đầu ra trước khi họ tham gia vào thị trường lao động.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp cũng chưa xem việc hợp tác với các cơ sở đào tạo là cách hữu hiệu để tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu sử dụng và cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.  
Để doang nghiệp và sinh viên đến gần nhau hơn, Nhà nước cần có chính sách để kiến tạo, kết nối, hỗ trợ các bên hợp tác với nhau như: quy định trong chính sách thuế, ưu đãi đầu tư, xếp hạng doanh nghiệp… đối với các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nhân lực để khuyến khích những doanh nghiệp này.

MỚI - NÓNG