Bộ Công Thương huy động tổng lực, lo thiếu hàng, sốt giá, đứt gãy nguồn vì dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công Thương yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đứt gãy nguồn cung và có kế hoạch chuẩn bị cho 'giải cứu' nông sản ở các địa phương bị phong tỏa vì dịch COVID-19
Bộ Công Thương yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đứt gãy nguồn cung và có kế hoạch chuẩn bị cho 'giải cứu' nông sản ở các địa phương bị phong tỏa vì dịch COVID-19
TPO - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có Chỉ thị số 07 yêu cầu một loạt các đơn vị trực thuộc làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp  cả nước thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và chuẩn bị cho việc đứt gãy nguồn cung.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không nhỏ do sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa khi dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới. Thị trường hàng hóa thế giới và trong nước sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các hoạt động, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng yêu cầu Cục Công nghiệp chủ trì đôn đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố xây dựng “Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19” tại các nhà máy, cơ sở sản xuất tại địa phương.

Vụ Thị trường trong nước được giao theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đánh giá cung cầu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng để có biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Cùng đó, Vụ thị trường trong nước tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường theo các cấp độ diễn biến của dịch COVID-19; tháo gỡ các khó khăn trong lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh cũng như hợp tác thương mại vùng miền hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch tại các địa phương có dịch bệnh bùng phát.

Bộ trưởng Công Thương cũng giao Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Lực lượng quản lý thị trường cũng phải chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử; chống thất thu thuế. Việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu qua biên giới, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu cũng được thực hiện nghiêm.

Với các mặt hàng xuất khẩu, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật tình hình, đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu. Các đơn vị có trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các sở công thương đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh. Cùng đó, có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, biển đảo... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

MỚI - NÓNG